Dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố mới đây cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc xả mạnh cổ phiếu và trái phiếu Mỹ từ đã bán ròng 21,2 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trong tháng 8/2023.
Nhà đầu tư Trung Quốc xả mạnh cổ phiếu và trái phiếu Mỹ từ việc bán ròng cổ phiếu và trái phiếu Mỹ mạnh nhất 4 năm trong tháng 8 vừa qua – thông tin làm gia tăng đồn đoán rằng Trung Quốc đã huy động ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá đồng nhân dân tệ trước áp lực mất giá từ xu hướng tăng của đồng USD.
Dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố mới đây cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc đã bán ròng 21,2 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trong tháng 8/2023. Trong đó, 15 tỷ USD là lượng bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ.
Số liệu này bao gồm giao dịch của tất cả các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), các quỹ tương hỗ và nhà đầu tư tư nhân.
Lượng bán ròng cổ phiếu Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc trong tháng 8 là khoảng 5 tỷ USD – mức kỷ lục trong một tháng. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp Mỹ cũng bị nhà đầu tư Trung Quốc bán ròng.
Việc nhà đầu tư Trung Quốc xả mạnh chứng khoán Mỹ diễn ra đồng thời với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Không chỉ đương đầu với sức ép mất giá từ xu hướng tăng của đồng USD, đồng nội tệ của Trung Quốc còn chịu áp lực giảm giá từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản, và dòng vốn ngắn hạn chảy khỏi nước này.
“Trên thị trường đang có những đồn đoán rằng Trung Quốc bán trái phiếu kho bạc Mỹ để bổ sung cho dự trữ tiền mặt USD nhằm bảo vệ đồng nhân dân tệ”, nhà quản lý quỹ Stephen Innes của công ty SPI Asset Management nhận định.
Năm nay, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 5,7% so với USD, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc ngày càng thấp so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ – động lực thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Hồi tháng 8, nhà đầu tư lo ngại nhiều về khả năng của PBOC trong việc bảo vệ tỷ giá nhân dân tệ khỏi rủi ro giảm sâu hơn. Tuy nhiên, ông Innes cho rằng từ tháng 8 tới nay, PBOC đã thành công hơn trong việc giảm bớt áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ bằng cách đưa ra tỷ giá tham chiếu cao hơn so với kỳ vọng của thị trường và chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh thay mặt ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường ngoại hối.
“Chúng tôi thực sự không thể biết chắc điều gì đang diễn ra ở PBOC, nhưng chúng tôi có thể cho rằng họ đang kết hợp nhiều biện pháp” để giữ tỷ giá đồng nội tệ – ông Innes nhận định, và nói thêm rằng dự trữ ngoại hối của PBOC đã duy trì ổn định trong những tháng gần đây.
Dù nguyên nhân cụ thể của việc nhà đầu tư Trung Quốc bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trong tháng 8 là chưa thể xác định, giới phân tích nói rằng thời điểm xảy ra việc bán ròng này trùng với thời điểm tỷ giá nhân dân tệ so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
“Trong tháng 8, chúng tôi bắt đầu nhận thấy một sự thay đổi trong chính sách của PBOC. Đó là thời điểm họ bắt đầu đưa ổn định dự trữ ngoại hối lên vị trí ưu tiên chính sách hàng đầu do áp lực rút lui của dòng vốn”, chiến lược gia trưởng Ken Cheung của ngân hàng Mizuho Bank nhận định.
Ngoài ra, đợt bán tháo đó của nhà đầu tư Trung Quốc cũng diễn ra trước đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu trong 2 tháng qua – nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức gần 5%, cao nhất 16 năm.
Trong một báo cáo tuần này, ngân hàng Barclays cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ không sớm giảm xuống, trừ phi xảy ra một cú sốc tài chính hay kinh tế Mỹ suy thoái – những sự kiện có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sớm hơn.
“Giá trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang khó hồi phục. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh, nhưng sự đồng thuận của thị trường đang nghiêng về khả năng nền kinh tế giảm tốc mạnh trong những quý tới. Dù vậy, có vẻ như thị trường đang lạc quan thái quá khi cho rằng chính sách tiền tệ đã thắt chặt quá mức. Chúng tôi lại cho rằng chính sách của Fed chưa hề chặt quá mức, và rủi ro vẫn nghiêng về gia tăng thắt chặt”, báo cáo viết.
Theo Vneconomy