‘Vượt Mỹ chỉ là giấc mơ’, kinh tế Trung Quốc thậm chí có nguy cơ ‘nghiêm trọng’ hơn nhiều so với thập kỷ mất mát của Nhật Bản 30 năm trước

‘Vượt Mỹ chỉ là giấc mơ’, kinh tế Trung Quốc thậm chí có nguy cơ ‘nghiêm trọng’ hơn nhiều so với thập kỷ mất mát của Nhật Bản 30 năm trước

Với mức độ biến động kinh tế hiện nay, chuyên gia cảnh báo “hậu quả có thể rất nghiêm trọng” nếu Trung Quốc xảy ra suy thoái bảng cân đối kế toán. *Bài viết được lược dịch dựa trên cuộc phỏng vấn giữa Richard Koo, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura và tờ South China Morning Post (SCMP).

Trung Quốc đối diện “cơn ác mộng” suy thoái bảng cân đối kế toán

Richard Koo, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura từng là người tư vấn cho một số Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề kinh tế. Ông nổi tiếng vì là người xây dựng khái niệm “suy thoái bảng cân đối kế toán”, tức là thay vì tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thì mọi người lại mải mê giảm bớt nợ. Đồng thời, vị chuyên gia cũng giải thích nó đã ảnh hưởng tới Nhật Bản như thế nào?

Suy thoái bảng cân đối kế toán đặc trưng bởi thực trạng mức nợ của khu vực tư nhân tăng cao, từ đó thúc đẩy tiết kiệm. Người dân không hề chi tiền mua những mặt hàng có giá trị lớn mà thường dùng tiền tiết kiệm để thanh toán các khoản vay thế chấp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không bỏ tiền đầu tư cho tương lai.

Trong khi phần lớn thế giới phát triển đang giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng, giá tiêu dùng ở Trung Quốc lại tăng chưa đến 1% mỗi tháng trong hơn một năm do người tiêu dùng tiết kiệm tiền và nhiều doanh nghiệp chờ xem liệu Chính phủ có đưa ra các biện pháp kích thích lớn trước khi mở rộng đầu tư hay không.

Ông Koo đã nói chuyện với phóng viên Frank Chen về tình hình kinh tế Trung Quốc, những khó khăn mà nước này phải đối mặt, những bài học có thể rút ra từ những bước đi sai lầm của Nhật Bản và cách Bắc Kinh nên phản ứng và xây dựng chính sách của mình.

Khó khăn bủa vây Trung Quốc

Theo ông Koo, rất nhiều nhà kinh tế lo lắng rằng Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái bảng cân đối kế toán, nhưng cũng có những quan điểm khác.

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2024 của Trung Quốc đạt 5,3%, nhưng nhiều người vẫn chán nản, họ không biết liệu tăng trưởng nhờ sản xuất có thể duy trì được hay không khi căng thẳng thương mại vẫn ở mức cao.

Một số người nói các vấn đề kinh tế là về cải cách cơ cấu, không liên quan gì đến bảng cân đối kế toán. Họ lập luận rằng chỉ thực hiện một chút kích thích tài chính và tiền tệ thì mọi thứ sẽ ổn.

Nhưng theo chuyên gia Koo, đó là những lập luận điển hình đã xuất hiện ở Nhật Bản cách đây 30 năm – khi những rắc rối của nước này bắt đầu. Đất nước này đã không ngừng thử nghiệm mọi chính sách cải cách cơ cấu nhưng phải mất 20 năm mới thoát ra khỏi “mớ hỗn độn” đó.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu châu Âu hoàn toàn không tin vào lý thuyết suy thoái bảng cân đối kế toán. Vì vậy, họ tiếp tục thúc đẩy cải cách cơ cấu và lãng phí nhiều năm. Châu Âu mất gần gấp đôi thời gian của Mỹ để thoát khỏi cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán tương tự. “Vì vậy, nếu bạn áp dụng đúng chính sách, bạn sẽ thoát khỏi suy thoái tương đối nhanh chóng. Nhưng nếu không, bạn có thể bị mắc kẹt ở đó rất lâu”, ông Koo nhận định.

Vì vậy, lời khuyên của ông là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên xem xét cách giảm thiểu rủi ro suy thoái bảng cân đối kế toán và cam kết hành động theo các biện pháp liên quan ngay bây giờ. Lời khuyên là Trung Quốc nên đưa ra một gói kích thích lớn trước tiên để lấy lại niềm tin rằng Chính phủ có thể duy trì tăng trưởng. Và sau đó, khi nền kinh tế vận động trở lại, nước này sẽ bắt đầu giảm kích thích.

Về gói kích thích, ông Koo cho rằng Trung Quốc đã quá lớn mạnh, vì vậy cần một gói kích thích lớn hơn 4 nghìn tỷ NDT như hồi năm 2008.

Tránh phạm sai lầm như Nhật Bản

Ông cũng lưu ý rằng, Chính phủ Trung Quốc không nên cắt giảm gói kích thích quá sớm – đó là sai lầm mà Nhật Bản đã mắc phải hồi năm 1997.

Đầu những năm 1990 Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế nên tốc độ tăng trưởng GDP vẫn được duy trì. Nhưng vào năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nói với Nhật Bản rằng thâm hụt ngân sách đã quá lớn và nước này nên dừng lại.

“Hồi đó tôi đã cố vấn cho Thủ tướng Ryutaro Hashimoto và tôi là người duy nhất phản đối việc cắt giảm gói kích thích. Tôi đã nói nếu cắt giảm, nền kinh tế sẽ sụp đổ”, ông Koo cho hay.

Nhưng Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ đã quyết định cắt giảm. Sau đó, Nhật Bản có 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm và hệ thống ngân hàng sụp đổ. Và cuối cùng, thâm hụt ngân sách của Nhật Bản cũng tăng lên. Nhật Bản phải mất 10 năm mới đưa mức thâm hụt trở lại mức năm 1996 và thoát ra khỏi hố sâu. Đất nước này đã lãng phí 10 năm chỉ vì sai lầm năm 1997 đó.

Ông Koo hy vọng Trung Quốc sẽ không lặp lại sai lầm. Chỉ khi các doanh nghiệp tư nhân quay lại vay vốn thì đó mới là lúc phù hợp để dỡ bỏ chính sách kích thích.

Cụ thể, ngay từ đầu, Bắc Kinh nên làm mọi cách để hoàn thành tất cả những dự án nhà còn dang dở. Lý do là nếu muốn thực hiện một đợt kích thích lớn, quốc gia phải lên kế hoạch cho những dự án mà bạn sẽ bỏ tiền vào. Và trong lúc chờ đợi, hãy chuẩn bị cho những dự án khả thi về mặt tài chính và sẵn sàng triển khai trong khoảng một năm nữa.

Tình hình ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với thập kỷ mất mát của Nhật Bản 30 năm trước

Những gì Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay là sự kết hợp giữa tình trạng trì trệ và dân số già đi. Dân số Nhật Bản vẫn tăng trong 19 năm sau khi bong bóng vỡ. Nhưng ở Trung Quốc, sự suy giảm dân số và sự vỡ bong bóng gần như bắt đầu cùng lúc, khoảng năm 2022 và 2023. Vì vậy, tình hình ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với Nhật Bản 30 năm trước.

Đối với người mua nhà bằng vay tiền, họ muốn đảm bảo giá trị căn hộ của mình sẽ tăng lên. Nhưng ở hầu hết các nơi trên khắp Trung Quốc, ngoại trừ các thành phố hàng đầu, rất khó để đưa ra lập luận rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng.

Dân số giảm cùng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái bảng cân đối kế toán của Trung Quốc vì người dân đã giảm kỳ vọng về việc giá nhà sẽ phục hồi hoặc tăng. Đây là điều mà Nhật Bản chưa bao giờ phải lo lắng vì dân số nước này vẫn đã tăng vào thời điểm đó.

Vì vậy, Trung Quốc ngày nay có thể đang phải đối mặt với một “vách đá tài chính” sâu hơn vì sự suy giảm dân số bắt đầu gần như cùng thời điểm với cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán và giảm phát đang bùng nổ.

Mặt khác, lợi thế lớn nhất của Trung Quốc so với Nhật Bản là rất nhiều người Trung Quốc đã nói về suy thoái bảng cân đối kế toán. Trở lại những năm 1990 ở Nhật Bản, không ai biết gì về tình trạng này.

Và nếu Chính phủ Trung Quốc sử dụng lợi thế đó, giải thích với công chúng rằng đây là một cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán và đảm bảo với người dân rằng Chính phủ sẽ không ngừng kích thích cho đến khi bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân được phục hồi, thì khi đó mọi người sẽ cảm thấy an toàn và tiếp tục chi tiêu, đầu tư.

Liệu GDP Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ hay không?

Theo ông Richard Koo, tất cả phụ thuộc vào việc các doanh nhân Trung Quốc có được tự do theo đuổi ước mơ của mình hay không; rằng có ít hạn chế hay hạn chế; liệu thị trường toàn cầu có hoàn toàn mở cửa cho các sản phẩm của Trung Quốc hay không; và liệu Trung Quốc có hoàn toàn cởi mở với đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản hay bất cứ nơi nào hay không?

Nếu tất cả những điều kiện thuận lợi này vẫn được duy trì, tôi tin chắc rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vài năm nữa.

Nhưng vị chuyên gia cũng nói hiện nay thực tế có xu hướng đi ngược lại điều đó. Nhiều người ở Trung Quốc rất lo lắng về tương lai của chính họ và trở nên rất thận trọng.

Thị trường nước ngoài đang trở nên “kém cởi mở” hơn với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn chảy vào Trung Quốc nhiều như trước đây. “Vì vậy, tôi e rằng ngày Trung Quốc vượt Mỹ về GDP có thể không bao giờ đến nếu vẫn đi theo con đường hiện tại”, ông Koo nhận định.

Theo Người Quan Sát

0865 205 590