Giá VFS tăng hơn 30% lên hơn 49 USD, đưa vốn hóa VinFast vượt BYD và khiến giới bán khống Mỹ gọi đây là “mức định giá điên rồ”.
Cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq đã có những phiên giao dịch với biên độ lớn gần đây.
Sau phiên chào sàn kỷ lục 37 USD, cổ phiếu VFS đã giảm ba phiên liên tiếp sau đó, mất gần 60% thị giá, lùi về ngưỡng 15 USD. Sắc xanh trở lại với VFS từ phiên 21/8 khi tăng trở lại 17,58 USD và bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý. Cổ phiếu VFS biến động với biên độ có lúc lên tới ba chữ số. Cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam trong phiên 24/8 chốt phiên ở ngưỡng 49 USD.
Mức giá này đưa VinFast thành hãng xe điện có quy mô vốn hóa cao thứ hai thị trường, chỉ sau Tesla và vượt mặt hàng loạt tên tuổi khác như BYD, Rivian, Lucid Motors.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã tăng lên 56,3 tỷ USD tính đến hết phiên giao dịch 24/8, tiếp cận gần nhóm 20 tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong khi đó, Forbes xác định tài sản của ông Vượng ở mức 41,4 tỷ USD, đứng thứ 28 thế giới.
Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán. Vốn hóa cao hay thấp phụ thuộc vào lượng cổ phiếu đang lưu hành và thị giá của nó.
Cơ cấu cổ đông cô đặc với số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) thấp là lý do chính khiến cổ phiếu VFS biến động mạnh. Lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành của VinFast Auto, theo bản cáo bạch. Lượng cổ phần tự do giao dịch sau khi VinFast niêm yết chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu.
Biến động của cổ phiếu VinFast gần đây cũng gây bất ngờ cho giới phân tích Mỹ. Theo Bloomberg, nhà bán khống nổi tiếng Jim Chanos gọi định giá cổ phiếu VinFast là “điên rồ”.
Tuy nhiên, việc bán khống – cách giao dịch để kiếm lời khi cho rằng một cổ phiếu bị định giá quá cao – không được giới phân tích khuyến khích với VinFast bởi quá đắt đỏ.
“Việc bán khống cổ phiếu thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng chúng tôi nghĩ vào thời điểm này, đó không phải là chiến lược giao dịch tốt nhất”, Tyler Mạnh Dũng Nguyễn của Maybank cho biết.
Do lượng cổ phiếu trôi nổi quá thấp, chi phí để vay mượn cổ phiếu nhằm bán khống VinFast lên tới ba chữ số, tức là mức lãi suất hơn 100% một năm. Theo Matthew Unterman, giám đốc của S3 Partners, tỷ lệ thả nổi rất nhỏ và thiếu các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia có nghĩa là nguồn cung cho những người bán khống tiềm năng là “rất khan hiếm”.
VinFast niêm yết tại Mỹ thông qua phương thức SPAC. Các giao dịch liên quan đến SPAC gần đây khác đã trải qua những phiên giao dịch bùng nổ ban đầu nhưng ngay sau đó là đà giảm mạnh khi các nhà giao dịch tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng nhờ biên độ biến động mạnh. Lordstown Motors, Nikola hay Faraday Future Intelligent Electric – các công ty khởi nghiệp này – đến nay đều giảm hơn 90% giá trị thị trường kể từ khi sáp nhập.
Kể từ khi thành lập vào năm 2017, đến nay VinFast vẫn chưa đạt tới điểm hòa vốn. Công ty sản xuất xe điện lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2022 và gần 2.000 tỷ trong ba tháng đầu năm nay, theo bản cáo bạch gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, VinFast chịu lỗ trước thuế hơn 48.900 tỷ đồng trong năm trước và thêm hơn 14.100 tỷ đồng trong quý I năm nay. Tính tới cuối quý I, tổng tài sản của VinFast đạt gần 5,1 tỷ USD, trong đó các khoản đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị là hơn 2,6 tỷ USD. Tổng lỗ lũy kế ghi nhận đến cuối quý I là gần 6 tỷ USD.
Nguồn Vnexpress.net