Vốn FDI dự báo đạt 19-21 tỷ USD năm 2023. Thị trường 23/6

Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có các tin tức mới: MBKE dự báo dòng vốn FDI thực hiện sẽ khoảng 19 – 21 tỷ USD cho năm 2023, thấp hơn mức 22,4 tỷ USD của năm ngoái, điều này phản ánh sự bắt kịp trong việc triển khai dự án sau khi mở cửa trở lại. Thanh toán qua QR Code tăng 151% trong 5 tháng đầu năm. Tỷ giá USD ngày 23/6: Tỷ giá mua vào – bán ra trong nước tăng nhẹ… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch cuối tuần hôm nay thứ Sáu ngày 23/6.

1. Vốn FDI dự báo đạt 19-21 tỷ USD năm 2023

Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối 2023 từ Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm 5% so với một năm trước vào tháng 5, đây là lần thứ sáu trong 7 tháng qua, bất chấp dòng vốn FDI chảy vào kỷ lục trong năm ngoá. Vốn FDI thực hiện đã tăng 13,5% vào năm ngoái khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015.

MBKE dự báo dòng vốn FDI thực hiện sẽ khoảng 19 – 21 tỷ USD cho năm 2023, thấp hơn mức 22,4 tỷ USD của năm ngoái, điều này phản ánh sự bắt kịp trong việc triển khai dự án sau khi mở cửa trở lại.

Trong 5 tháng 2023, dòng vốn FDI lên tới 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với một năm trước nhưng cao hơn các năm trước. Theo MBKE, các cam kết FDI có thể vẫn giảm trong những tháng tới, do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh triển vọng toàn cầu yếu đi.

Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm -5% so với cùng kỳ năm trước

Vốn FDI thực hiện giảm -0.8% so với cùng kỳ trong 5T2023 sau khi tăng +13,5%vào năm 2022

Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây đánh giá Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài từ nhiều quốc gia vì được hưởng lợi từ động lực ngày càng tăng đối với việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Mặc dù trong 5 tháng đầu năm, cam kết FDI về mặt giá trị (giảm 7,3%) thấp hơn so với một năm trước, nhưng số lượng dự án của nhà đầu tư đã tăng lên đáng kể.

Số lượng dự án FDI mới và dự án hiện tại được đầu tư cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2023

Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, CEIC

Các chuyên gia kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục là động lực cấu trúc cho nền kinh tế trong dài hạn do vị trí của Việt Nam là điểm đến ưa thích để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tư gia tăng sẽ tạo điều kiện phát triển sâu hơn các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng kết nối và vị thế của Việt Nam như một trung tâm thương mại và sản xuất. Ngoài ra, động lực để các công ty đa quốc gia toàn cầu mở rộng sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã tăng lên, trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc ngày càng tăng, các vấn đề như căng địa chính trị Mỹ-Trung và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tồn tại.

2. Thanh toán qua QR Code tăng 151% trong 5 tháng đầu năm

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023. Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 5 tháng đầu năm, giao dịch TTKDTM tăng 52,35% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị.

Trong khi đó, giao dịch thực hiện qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43 % về giá trị, điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Để thúc đẩy xu hướng này, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng. Tại các ngân hàng thương mại, hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số, thanh toán số cũng ngày càng được đẩy mạnh, các ứng dụng liên tiếp được cập nhật phiên bản mới với nhiều tính năng.

3. Tỷ giá USD ngày 23/6: Tỷ giá mua vào – bán ra trong nước tăng nhẹ

Chỉ số Đô la Mỹ đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,40%, đạt mốc 102,40. Đồng USD tăng trở lại vào phiên giao dịch vừa qua, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, có thể cần tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong nước, cuối phiên giao dịch 22-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức: 23.732 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng – 24.868 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

  • Vietcombank (HM:VCB): 23.340 đồng – 23.680 đồng
  • Vietinbank (HM:CTG): 23.318 đồng – 23.738 đồng
  • BIDV (HM:BID): 23.363 đồng – 23.663 đồng

Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra tăng nhẹ ở mức: 24.777 đồng – 27.386 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

  • Vietcombank: 25.416 đồng – 26.571 đồng
  • Vietinbank: 24.922 đồng – 26.212 đồng
  • BIDV: 25.411 đồng – 26.551 đồng

Theo investing

0865 205 590