Vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam tăng 46,9% trong 6 tháng đầu năm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%, theo Tạp chí Công Thương.

Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư.

Về kỳ vọng của 6 tháng cuối năm thì hiện nay trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức lạc quan, không chỉ đánh giá chủ quan của các cơ quan trong nước mà kể cả phía nước ngoài đánh giá.

Đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam hiện nay là xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng:

  • Chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này Việt Nam đã thực hiện sau dịch COVID-19, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.
  • Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho thấy nhiều triển vọng và nhà đầu tư nước ngoài sẽ kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn đang diễn ra, sẽ là yếu tố tốt để tác động đầu tư.
  • Kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam vẫn ở mức khoảng 4% trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số lạm phát ở mức hơn 2%, cho thấy nền kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điều quan trọng nhà đầu tư rất cần để được bảo đảm hoạt động đầu tư.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cấp mới, trong nửa đầu năm có 1.538 dự án đầu tư FDI được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký điều chỉnh có 592 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 1.420 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 79,3% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 418 triệu USD, chiếm 3,9%.

Lũy kế đến ngày 20/06/2024, cả nước có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 294,2 tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư).

Theo đối tác đầu tư, hiện có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn gần 87,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 57,8 tỷ USD (chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư).

Theo investing

0865 205 590