Trong báo cáo mới công bố, ngoài kết quả kinh doanh quý II/2023 ghi nhận doanh thu lên tới gần 7.950 tỷ đồng cùng với số lượng gần 10.000 xe điện được bán trong kỳ, VinFast (NASDAQ:VFS) cũng đưa ra những thông tin đáng chú ý về các giao dịch cổ phiếu sắp được thực hiện.
Theo đó, ngày 12/9, VinFast đã nộp đơn đăng ký chào bán và bán cổ phiếu phổ thông từ một số cổ đông, bao gồm các nhà tài trợ của Black Spade, những người khác liên quan tới Black Spade và các cổ đông chủ chốt của VinFast là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star). Tuy nhiên, hiện đơn đăng ký vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) công bố có hiệu lực.
Về chi tiết các giao dịch, 2 pháp nhân có liên quan trực tiếp tới Chủ tịch Phạm Nhật Vượng và VinGroup, đồng thời cũng là 2 cổ đông lớn nhất của VinFast là VIG và Asian Star đã đăng ký bán 2% số cổ phiếu đang lưu hành sau khi kết thúc thời gian bị hạn chế giao dịch.
Sau khi giao dịch hoàn tất, VIG, Asian Star và VinGroup vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ 96,6% số cổ phiếu đang lưu hành còn lại của VinFast còn đang bị hạn chế giao dịch.
Ngoài ra, VinFast cũng đã đăng ký phát hành 15 triệu cổ phiếu phổ thông cho Gotion Inc theo các điều khoản của thỏa thuận mua cổ phiếu đã ký kết trước đó. Cụ thể, Gotion Inc sẽ mua 15 triệu cổ phiếu VFS trong một đợt phát hành riêng lẻ với giá 10 USD/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch là 150 triệu USD, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,7%. Gotion Inc, công ty con của doanh nghiệp sản xuất pin hàng đầu Gotion High Tech (Trung Quốc), là công ty hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VinES trong dự án nhà máy liên doanh sản xuất pin lithium có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Như vậy, tổng cộng 3,1% tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của VinFast được đăng ký bán lại (bao gồm cả số lượng cổ phiếu của VIG và Asian Star). Ngoài ra, một lượng lớn cổ phiếu do các nhà tài trợ và những người có liên quan đến Black Spade đã được dỡ bỏ hạn chế giao dịch.
Cũng theo báo cáo, VinFast sẽ nhận được toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán cổ phiếu phổ thông theo đăng ký của VIG và Asian Star, sau khi trừ đi các khoản hoa hồng bán hàng, phí, phí môi giới và thuế.
Số tiền này sẽ được VIG và Asian Star chuyển cho VinFast đúng như cam kết của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng theo thỏa thuận tài trợ được ký trước đó.
Dự kiến, nếu các giao dịch trên được thực hiện thành công với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9 là 15,7 USD/cổ phiếu VFS, tổng số tiền thu về hơn 700 triệu USD.
Trước khi niêm yết cổ phiếu VFS thành công trên sàn Nasdaq, VinGroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã cam kết tài trợ cho VinFast tổng số tiền lên tới 2,5 tỷ USD để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Theo kế hoạch, khoản tiền này sẽ được giải ngân trong vòng một năm tiếp theo, trong đó ông Phạm Nhật Vượng tài trợ 1 tỷ USD, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm.
Ngoài ra, trong bản cáo bạch của VinFast vào quý II/2022, Vingroup đã phát hành 625 triệu USD trái phiếu hoán đổi cho các quỹ đầu tư lớn là Kohlberg Kravis Roberts (Mỹ) và 2 quỹ đầu tư công Qatar Holding LLC (Qatar) và Seatown Holdings (Singapore). Ngày dự kiến đáo hạn là ngày 10/5/2027 với lãi suất cố định 4%/năm.
Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup (HM:VIC), các trái chủ nắm giữ khoản trái phiếu này có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông của VinFast theo mức giá thực hiện xác định tại thời điểm phát hành trái phiếu và có thể được điều chỉnh theo quy định tại các văn kiện trái phiếu có liên quan. Bên cạnh đó, Vingroup cũng có quyền mua lại toàn bộ trái phiếu theo một số điều kiện quy định trong văn kiện trái phiếu.
Theo investing