Việt Nam làm gì để thu hút các gã khổng lồ ngành chip?

Việt Nam làm gì để thu hút các gã khổng lồ ngành chip?

Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang thúc đẩy các tập đoàn công nghệ toàn cầu tìm kiếm địa điểm sản xuất mới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Với dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số mới, Chính phủ Việt Nam đang đặt ra một loạt ưu đãi nhằm thu hút các ông lớn trong ngành như Nvidia (NASDAQ:NVDA) và Besi.

Từ giảm thuế đến quy trình xuất khẩu nhanh chóng, danh sách các ưu đãi được đề xuất khá ấn tượng. Các công ty chip có thể được hưởng lợi từ việc khấu trừ 150% chi phí nghiên cứu, nhận tài trợ và cấp visa nhanh chóng, cùng 10 năm miễn phí sử dụng đất. Ngoài ra, dự thảo luật cũng bao gồm thủ tục giấy tờ nhanh chóng và miễn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu và thu nhập cá nhân, áp dụng cho các dự án trị giá 160 triệu USD trở lên.

Luật sư Trần Mạnh Hùng của Baker McKenzie nhận định: “Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số là một dấu hiệu tốt cho thấy Việt Nam nghiêm túc đến mức nào trong việc thu hút các công ty chip”.

Trong những năm gần đây, các Giám đốc điều hành trong ngành chip Mỹ từ Pat Gelsinger của Intel (NASDAQ:INTC) đến Jensen Huang của Nvidia đã đến thăm Việt Nam, cho thấy tiềm năng của Việt Nam để trở thành cơ sở sản xuất bán dẫn. Trước đây, Intel, một trong những tên tuổi lớn trong ngành, chia sẻ vưới Nikkei rằng: “Việt Nam nên hiện đại hóa các chính sách ưu đãi để hỗ trợ các nhà đầu tư hiện tại/mới trong tương lai và từ đó giữ cho Việt Nam có tính cạnh tranh”.

Trước đó, Việt Nam cũng đưa ra các động thái để trở thành một cường quốc bán dẫn, bao gồm đầu tư vào năng lượng, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Lịch sử của ngành chip Việt Nam đã kéo dài hai thập kỷ nhưng chỉ bước vào kỷ nguyên mới từ năm 2020, sau khi những gián đoạn do COVID-19 và cuộc chiến công nghệ làm gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Việc đầu tư cũng được mở rộng sang một loạt các ngành công nghiệp phụ trợ, từ các linh kiện do Samsung sản xuất đến hoạt động thiết kế chip cho Infineon và phần mềm cho Synopsis.

Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc liệu các biện pháp này có phù hợp với hiệp ước toàn cầu mới về thuế tối thiểu hay không. Mức thuế tối thiểu 15% – do OECD đề xuất và được hơn 140 quốc gia ủng hộ – có thể hạn chế khả năng cung cấp các ưu đãi thuế truyền thống. Điều đó có nghĩa là chấm dứt nhiều ưu đãi cho phép mức thuế doanh nghiệp dưới 15%, mặc dù các doanh nghiệp đã vận động hành lang để có các biện pháp thay thế như trợ cấp tiền mặt hoặc tín dụng thuế.

Tuy nhiên, việc cung cấp các ưu đãi như trợ cấp tiền mặt hoặc tín dụng thuế cũng đặt ra thách thức về ngân sách cho Chính phủ. Thomas McClelland, Trưởng bộ phận thuế của Deloitte Việt Nam, cảnh báo về “tác động của một chương trình như vậy đối với ngân sách Nhà nước” và chỉ ra rằng việc thực hiện các ưu đãi mới có thể tạo ra “các thủ tục hành chính bổ sung, chẳng hạn như quy trình đăng ký và đánh giá ưu đãi, cũng như kiểm tra sau để đảm bảo chế độ được thực hiện phù hợp và đạt được mục tiêu của nó mà không bị thua lỗ”.

Dự luật công nghệ đề xuất cũng bao gồm các ngành công nghiệp khác nhưng có một phần dành riêng cho bán dẫn. Các nhà đầu tư từ Besi, một nhà sản xuất thiết bị chip có trụ sở tại Hà Lan đang đầu tư ban đầu 4.9 triệu USD bắt đầu từ năm nay, đến Nvidia, đang hỗ trợ doanh nghiệp địa phương FPT (HM:FPT) trong việc tạo ra một nhà máy AI ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức các cuộc họp với các cơ quan khác và đại diện khu vực tư nhân để lấy ý kiến hoàn thiện luật, dự kiến sẽ được đưa ra trước Quốc hội vào tháng 10/2024 và có hiệu lực sớm nhất vào giữa năm 2025.

Theo Vietstock

0865 205 590