Ông Vũ Tiến Lộc – Giám đốc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) – cho biết nước ta có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc trên thế giới, là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thị trường, cùng vị trí địa chính trị. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt khi các nền kinh tế xung quanh chuyển động nhanh hơn rất nhiều.
Sáng 12/12, VIAC phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư với chủ đề “Kiến tạo lợi thế mới cho nhà đầu tư thành phố trong bối cảnh Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”.
Kiện cáo trong đầu tư
Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, lâu nay thành phố thường thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư, tức đi tìm cách quảng bá dự án đầu tư, môi trường đầu tư, các nguồn lực để thu hút và mời gọi.
Theo ông Hoan, quá trình thực hiện các dự án đầu tư bao gồm việc hỗ trợ pháp lý ban đầu trước khi đầu tư, đến việc hỗ trợ pháp lý trong quá trình thực hiện cũng như xử lý sau đầu tư.
“Những việc kiện cáo trong đầu tư hiện phát triển rất mạnh. Khâu hỗ trợ pháp lý chúng ta có làm nhưng làm chưa sâu, chưa cụ thể”, ông nhìn nhận và mong muốn có thể diễn ra nhiều diễn đàn hơn trên nhiều khía cạnh khác để triển khai thực hiện pháp luật thật tốt, để cả nhà nước và doanh nghiệp đều thuận lợi.
Ông Hoan thông tin, tình hình đầu tư, tình hình sản xuất, kinh doanh của thành phố hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Sau COVID-19, các chuỗi cung ứng dần hồi phục nhưng khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng lớn.
“Trong thu hút đầu tư, các nhà đầu tư muốn mở rộng cũng đặt dấu hỏi liệu rằng TPHCM có gì để tạo môi trường đầu tư xanh nhằm có nguồn nhân lực xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh, giúp các sản phẩm của họ có thể xuất khẩu sang các nước”, ông Hoan nói.
Nhìn nhận những quy định hiện nay thuộc thẩm quyền của thành phố bị thu hẹp, ông Hoan cho biết với Nghị quyết 98, TPHCM đang tập trung phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng nghị định phân cấp quản lý cho thành phố. Và đây là điều cần “gỡ” để hoàn thiện cơ chế cho thành phố một cách chủ động, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo TPHCM mong muốn cộng đồng cùng nhận thức và tham gia hiến kế cho thành phố và Trung ương trong những vấn đề như điện trên mái nhà, điện trên nhà xưởng… Hay cũng có thể góp ý chính sách hỗ trợ cho công nghệ bán dẫn và chip, bởi hiện chính sách này còn mơ hồ.
“Khi tôi có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và CEO Nvidia (NASDAQ:NVDA) mới đây, họ nói sẵn sàng đến với mình nhưng họ cần chính sách vượt trội hơn chính sách các nơi khác”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ và bày tỏ từ điều này thành phố muốn lắng nghe để xây dựng chính sách phù hợp.
Đối mặt rủi ro thị trường, pháp lý thì không ai dám làm
Trao đổi tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC – khẳng định Việt Nam được xem là điểm đến của các nhà đầu tư và chúng ta có nhiều lợi thế trong cuộc đua này.
Theo ông, nước ta có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc trên thế giới, là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thị trường, cùng vị trí địa chính trị. Tuy nhiên, đất nước cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt khi các nền kinh tế xung quanh chuyển động nhanh hơn Việt Nam rất nhiều.
“Để chúng ta có thể chiến thắng và vượt lên, tận dụng những cơ hội thì phải có cuộc cải cách thể chế lần thứ hai. Trước bối cảnh thế giới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chúng ta không thể nào dùng hệ thống thể chế trước đây, mà phải có đột phá để phù hợp với yêu cầu thời điểm này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VIAC cũng cho rằng, TPHCM hiện cần khởi động cuộc đua mới để cạnh tranh với các thành phố hàng đầu trong khu vực, để trở lại vị trí đầu tàu dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế và thu hút đầu tư như những năm đầu công cuộc đổi mới, mở cửa, cũng như cần có cuộc đua với chính mình, lấy lại phong độ trước đây.
Nhìn nhận trước mắt có rất nhiều thách thức, ông Vũ Tiến Lộc điều đáng mừng là thành phố có Nghị quyết 98, dù rằng nghị quyết này chỉ giải quyết một số vấn đề.
Theo ông Lộc, vấn đề nổi lên được các doanh nghiệp và người dân quan tâm hàng đầu là an toàn pháp lý trong kinh doanh. Nếu cùng một lúc vừa đối mặt rủi ro về thị trường, vừa rủi ro về pháp lý, thể chế thì không ai dám làm. “Tôi hy vọng Nghị quyết 98 sẽ là Nghị quyết 10 về nông nghiệp trước đây, trong giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay”, ông Lộc bày tỏ.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, riêng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) phải an toàn tuyệt đối về pháp lý. Theo đó, để có một môi trường pháp lý an toàn, bền vững, cần phải có sự cộng tác của cả khu vực tư nhân và nhà nước, với sự hợp tác ba bên: chuyên gia, luật gia; các doanh nghiệp; các cơ quan chính quyền.
Theo Vietstock