Bitcoin đã tăng gần 90%, bất ngờ vượt nhiều kênh đầu tư khác để trở thành loại tài sản hoạt động tốt nhất.
Tính riêng quý I, tiền số lớn nhất thế giới đã tăng hơn 70%. Đây là quý có lãi cao nhất kể từ quý I/2021, khi đó tăng 103%. Tính đến giữa tháng 4, Bitcoin đã tăng hơn 87%. Con số trên vượt xa mức tăng của nhiều kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán Mỹ hay chứng khoán châu Âu, dầu thô…
Quý cuối cùng của năm 2022 là một thách thức với Bitcoin khi mất khoảng 15% giá trị. Các yếu tố như môi trường kinh tế vĩ mô kém, cuộc khủng hoảng Terra-Luna và nỗi lo sợ về sự lây lan khủng hoảng của tiền số đã ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của Bitcoin trong suốt năm 2022.
Năm nay, bất chấp sự sụt giảm của nhiều kênh đầu tư trước các biến động lớn, thị trường tiền số âm thầm tích lũy dòng vốn liên tục. Bitcoin có nhiều đợt tăng giá bất ngờ, vượt ngoài dự đoán của các bên phân tích. Tiền số lớn nhất thế giới vượt 30.000 USD một đơn vị và đã duy trì vùng giá này suốt tuần qua.
Trong đợt tăng giá mới đây, nhiều người đồng ý rằng động lực từ các nhà đầu tư ngày càng lạc quan về chính sách nới lỏng sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp dụng. Giả sử trong quý II, lãi suất vẫn tăng nhưng nếu với biên độ thấp sẽ giúp củng cố giá trị của loại tiền số này.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thị trường vẫn đang tranh cãi về nguyên nhân chính nếu nhìn hiệu suất từ đầu năm tới nay của Bitcoin – tăng gần 90%, theo Bloomberg. Một số người nói, tiền số phục hồi sau giai đoạn xuống giá sâu, kịch bản quen thuộc từng diễn ra trong giai đoạn 2017-2018.
Một số lại chỉ ra nguồn gốc của đà tăng này là nhu cầu thị trường đang quay trở lại: giữa những cơn địa chấn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu, tiền số có thể hoạt động như một nơi trú ẩn vì nó độc lập với các ngân hàng trung ương.
Peter van Dooijeweert tại công ty cố vấn đầu tư Man Solutions cho biết: “Hầu hết cho rằng Bitcoin sẽ hoạt động tệ vì thị trường đang chịu áp lực. Nhưng trên thực tế, những người yêu Bitcoin lại thích ý tưởng về một loại tiền tệ phi pháp định, nằm ngoài hệ thống ngân hàng”.
Theo Vijay Ayyar – Phó chủ tịch phát triển hợp tác và quốc tế tại sàn giao dịch tiền số Luno – trong khi sự sụp đổ của Silvergate, Signature Bank và SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính, sự phục hồi của Bitcoin cũng có thể được thúc đẩy bởi chính những thất bại đó.
“Tài chính phi tập trung đang bắt đầu trở thành một khái niệm quen thuộc với nhiều người hơn”, ông nhấn mạnh.
Bitcoin hay các loại tiền số khác được gọi là tiền tệ phi tập trung vì chúng không được phát hành bởi một thực thể duy nhất như ngân hàng trung ương. Thay vào đó, chúng dựa trên công nghệ cơ bản được gọi là chuỗi khối (blockchain) và mạng của nó được duy trì bởi cả cộng đồng.
Từ lâu, nhiều người đã tuyên bố tiền kỹ thuật số là một cách để các nhà đầu tư tự bảo vệ mình trước các động thái của ngân hàng trung ương, đặc biệt là nới lỏng định lượng và chính sách tiền tệ. Những người ủng hộ chỉ ra nguồn cung hữu hạn của Bitcoin (khoảng 21 triệu đơn vị) là đặc điểm chính giúp nó trở thành một kho lưu trữ giá trị, chống lại lạm phát.
Diễn biến của đồng tiền này gần đây càng củng cố luận điểm trên.Bên cạnh tác động vĩ mô, bản thân thị trường tiền số cũng cho thấy nhiều nét “trưởng thành” hơn, trở thành nội lực cho các đợt tăng giá. Phản ứng của Bitcoin với loạt khủng hoảng gần đây từ Binance chỉ ra rằng, tương lai của tài sản này không phụ thuộc vào chỉ một sàn giao dịch.
Tiền số lớn nhất thế giới chỉ biến động nhẹ trước vụ Binance tạm dừng giao dịch do trục trặc kỹ thuật hay sàn giao dịch này bị kiện, kéo theo hơn 700 triệu USD bị rút trong một ngày. Phản ứng này khác hẳn với đợt sụt giảm nghiêm trọng sau cú sập Terra-Luna.
Binance là sàn tiền số lớn nhất thế giới, chiếm 60% khối lượng giao dịch giao ngay trên toàn cầu, theo Arcane Research. Riêng khối lượng giao dịch Bitcoin trên nền tảng này chiếm tới 90% nhờ chính sách không thu phí tiền số này thời gian qua. Do đó, việc Bitcoin “bình thản” trước những nhiễu động từ sàn giao dịch này cho thấy tính lây lan và hiệu ứng đám đông – vốn được bắt gặp ở khủng hoảng Luna năm ngoái – không còn sức tác động nghiêm trọng.
Song song đó, tính độc lập của Bitcoin ngày càng tăng khi mối tương quan với chứng khoán giảm đi. Giai đoạn 2021-2022, gần như mọi nhịp tăng của tiền số gắn liền với diễn biến tích cực của chứng khoán Mỹ và ngược lại.
Nhưng sang năm nay, mối tương quan trên đứt gãy nặng do các công ty đại chúng nắm giữ ít Bitcoin hơn, các công ty khai thác cũng còn rất ít tiền số để giao dịch và môi trường lãi suất cao. Chính điều này làm các nhà đầu tư chọn Bitcoin để trú ẩn sau những cơn sóng điều chỉnh trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, sự gia tăng mạnh về tổng số người nắm giữ Bitcoin cũng thể hiện niềm tin thị trường ngày một lớn. Trong quý I, tổng lượng người nắm giữ Bitcoin đã tăng hơn 2 triệu, lên 45,74 triệu người, tăng 5%.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.