Ủy thác đầu tư chứng khoán là việc chuyển tiền từ cá nhân, tổ chức này sang cá nhân, tổ chức khác để đầu tư nhắm tìm kiếm lợi nhuận.
Hoạt động ủy thác đầu tư thường có sự tham gia của hai bên: ủy thác và nhận ủy thác. Trong đó, người nhận ủy thác sẽ giao toàn bộ trách nhiệm về việc sử dụng vốn cho người nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác có nhiệm vụ và trách nhiệm đầu tư, quản lý danh mục để đảm bảo lợi nhuận và hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu.
Hiện, trên thị trường, ủy thác đầu tư thường được phân chia thành ba hình thức dựa trên mức độ chia sẻ rủi ro cùng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
– Nhận ủy thác không chia sẻ rủi ro: Theo như hình thức đầu tư này, bên ủy thác sẽ chịu hoàn toàn các rủi ro. Bên nhận ủy thác chỉ có trách nhiệm mang tiền đi đầu tư, không chịu rủi ro.
– Nhận ủy thác có chia sẻ rủi ro: Hình thức đầu tư này được sử dụng khi có các danh mục đầu tư tiềm năng, kỳ vọng đem lại lợi nhuận lớn cho bên ủy thác nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao. Khi đó, bên nhận ủy thác có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với khách hàng.
– Nhận ủy thác với lợi tức cố định: Đây là hình thức ủy thác đầu tư an toàn, ít rủi ro với những người không muốn mạo hiểm. Theo đó, bên ủy thác sẽ được chia lợi tức định kỳ và không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biến động của thị trường.
Theo chuyên gia của DNSE, hình thức ủy thác đầu tư cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng phù hợp với những đối tượng khác nhau. Nếu những người mới tham gia vào thị trường, thiếu kiến thức về chứng khoán và kinh nghiệm thực tế, giao dịch thông qua ủy thác là hình thức giúp nhà đầu tư có được nguồn thu ổn định và an toàn. Tuy nhiên, nếu đã có kinh nghiệm, không thích bị ràng buộc và muốn quản lý danh mục, nhà đầu tư có thể tự thực hiện các giao dịch.
Về ưu điểm, theo lý thuyết, việc ủy thác đầu tư chứng khoán giúp đảm bảo tăng trưởng ổn định, hiệu quả. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay công ty quản lý sẽ nghiên cứu và xây dựng danh mục đầu tư đa dạng như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… để hạn chế các rủi ro. Điều này có thể giúp người ủy thác thu được lợi nhuận an toàn, ổn định khi các giao dịch được thực hiện bởi các nhà quản lý có trình độ và chuyên nghiệp.
So với gửi tiết kiệm, việc ủy thác đầu tư thường sẽ mang đến lợi nhuận cao hơn khi thị trường trên đà tăng trưởng. Nếu chỉ gửi tiết kiệm, nhà đầu tư sẽ không được trả thêm lãi suất khi thị trường phát triển mà chỉ nhận được mức lãi cố định ban đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, hình thức ủy thác đầu tư cũng tiềm ẩn những rủi ro. Đầu tiên, kết quả của việc ủy thác đầu tư thường phụ thuộc vào công ty quản lý. Do đó, nếu công ty quản lý quỹ tốt, nhà đầu tư có thể thu được khoản lời. Song, nếu chọn nhầm công ty quản lý, nhà đầu tư thường phải chịu hoàn toàn rủi ro.
Ủy thác đầu tư thường đem đến lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm, song, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Người ủy thác có thể bị lỗ nếu doanh mục đầu tư của bên nhận ủy thác không hiệu quả, hoặc do yếu tố khách quan từ thị trường, hoặc điểm ra vào không hợp lý có thể gây bất lợi cho danh mục đầu tư.
Ngoài ra, thời gian thu lại lợi nhuận từ hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán thường tương đối dài. Đồng thời, một hạn chế nữa khi ủy thác đầu tư là bên ủy thác không có khả năng kiểm soát vốn do đã giao toàn quyền đầu tư cho bên nhận ủy thác nên không được phép đưa ra các quyết định đầu tư.
Để việc ủy thác đầu tư đạt hiệu quả, các nhà đầu tư nên lựa chọn bên nhận ủy thác úy tín, giàu kinh nghiệm. Đây là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của hoạt động ủy thác đầu tư. Một tổ chức có sự am hiểu về lĩnh vực đầu tư cũng như có trách nhiệm sẽ giúp nguồn vốn của bạn có thể sinh lời tối đa. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ các loại phí có thể phát sinh trong quá trình ủy thác như phí môi giới, phí quản lý tài khoản đầu tư, phí hiệu suất, phí thường niên…
Đồng thời, việc có kế hoạch và mục tiêu cụ thể là điều kiện giúp các nhà đầu tư thành công khi ủy thác đầu tư. Dù giao toàn quyền quyết định cho bên nhận ủy thác nhưng bạn cũng nên xác định lĩnh vực đầu tư và tiến độ báo cáo cụ thể để hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhà đầu tư không nên ủy thác đầu tư nhiều lĩnh vực trong cùng một thời điểm. Việc đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực sẽ khiến cho nguồn vốn bị chia nhỏ, đồng thời, khiến danh mục tăng trưởng ngắn hạn, khó theo xu hướng và không có ích trong tương lai.
Nguồn Vnexpress.net