Đồng USD giảm giá nhẹ so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/7), sau khi lao dốc mạnh trong tuần trước do lạm phát xuống thang ở Mỹ dẫn tới kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tỷ giá USD đang dao động gần vùng đáy của hơn 1 năm thiết lập vào hôm thứ Sáu, do chưa xuất hiện chất xúc tác mới trong lúc thị trường chờ các cuộc họp chính sách tiền tệ ngân hàng trung ương vào cuối tháng này.
Giới phân tích cho rằng, đồng USD sẽ duy trì trạng thái tích luỹ này cho tới khi Fed kết thúc cuộc họp vào ngày 25-26/7, cuộc họp mà Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Sáng ngày 18/7, chỉ số Chỉ số Đô la Mỹ đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt dao động quanh ngưỡng 99,8 điểm – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Trong 5 phiên gần nhất, chỉ số này giảm 1,9%, nâng tổng mức giảm trong 1 tháng trở lại đây lên gần 2,7%.
Tuần trước, Dollar Index giảm 2,2% – mức giảm mà chiến lược gia trưởng Marc Chandler của công ty Bannockburn Global Forex nhận định, theo Reuters.
Tuần này không có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng dự kiến được công bố trừ báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 6 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Ba. Giới phân tích không cho rằng số liệu này sẽ khiến Fed thay đổi kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới.
Trên thị trường lãi suất tương lai, giới giao dịch đang kỳ vọng bình quân lãi suất Fed tăng thêm 0,32 điểm phần trăm nữa trong năm nay, đạt đỉnh ở mức 5,4% vào tháng 11 Điều đó có nghĩa là thị trường nhận thấy ít khả năng Fed tăng lãi suất thêm lần nữa sau đợt tăng 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/7.
Kỳ vọng lãi suất dịch chuyển sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 của Mỹ đều tăng yếu hơn kỳ vọng, cho thấy áp lực giá cả tiếp tục dịu đi. Không chỉ gây áp lực mất giá đối với đồng USD, sự điều chỉnh kỳ vọng về chính sách của Fed cũng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh trong tuần trước.
Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Hai với mức giảm 0,12%, còn 99,83 điểm. Hôm thứ Sáu, chỉ số có lúc giảm còn 99,57 điểm, thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Đồng Euro tăng giá 0,14% so với USD, chốt ở 1,1242 USD đổi 1 Euro, sau khi đạt 1,1245 USD đổi 1 Euro – mức cao nhất của Euro kể từ tháng 2/2022.
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ngày thứ Hai dự báo nền kinh tế Đức – lớn nhất trong khối Eurozone – năm nay có thể suy giảm nhiều hơn mức giảm dự báo 0,3% đưa ra cách đây chỉ vài tuần, dù đã hồi phục nhẹ trong quý 2. Nền kinh tế với tỷ trọng công nghiệp lớn của Đức đang bị ảnh hưởng nặng nề bở sự suy giảm của nhu cầu hàng hoá toàn cầu, mà nguyên nhân là lãi suất tăng cao gây suy yếu các hoạt động đầu tư và tiêu dùng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/7 cũng dự báo sản lượng kinh tế Đức giảm nhẹ trong năm nay ảnh hưởng còn sót lại của cú sốc giá năng lượng và điều kiện tài chính thắt chặt.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần tới. Thậm chí, ECB được cho là vẫn có thể tăng lãi suất ngay cả khi Fed đã dừng tăng.
Ngoài các cuộc họp của Fed và ECB, tuần tới còn có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Thị trường hiện tại không kỳ vọng BOJ có sự dịch chuyển nào khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong lần họp này. Kỳ vọng về một sự dịch chuyển chính sách của BOJ đã xuất hiện khi tỷ giá đồng Yên giảm mạnh gần đây, nhưng khi tỷ giá Yên so với USD phục hồi rực rỡ trong tuần trước, kỳ vọng đó cũng gần như không còn.
Phiên ngày thứ Hai, đồng USD giảm giá 0,07% so với Yên Nhật, về mức 138,65 Yên đổi 1 USD. Hôm thứ Sáu, tỷ giá USD so với Yên có lúc giảm còn 137,245 Yên/USD, thấp nhất kể từ hôm 17/5.
Đồng Bảng Anh giảm giá 0,06% so với USD trong phiên đàu tuần, còn 1,3082 USD đổi 1 Bảng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 ở 1,3144 USD/Bảng.
Theo investing