Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm còn nhiều dư địa kiểm soát lạm phát. Ước tính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 5 tháng còn lại. NHNN có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, dự báo là lần cắt giảm cuối trong chu kỳ? Nguồn cung dầu Nga tới Ấn Độ sẽ sớm suy giảm mạnh… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức mới trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay thứ Hai ngày 7/8.
1. Triển vọng tình hình lạm phát cuối năm?
Trong 7 tháng đầu năm nay, lạm phát đã được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát quý III/2023 và các tháng còn lại của năm:
- Kịch bản thứ nhất, giả thiết 5 tháng cuối năm 2023 so cùng kỳ năm trước: Giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; giá nhà ở thuê tăng 8%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3%, giá dịch vụ y tế tăng 4%; Giá xăng dầu giảm 10%, giá gas giảm 10%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.
- Ở kịch bản thứ hai, trong trường hợp giá xăng dầu giảm thấp hơn (5%), giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn (5%), giá dịch vụ y tế tăng 6%, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,7% so với năm 2022.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 – 3,7%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3 – 3,5% (cùng với giả định giá dịch vụ giáo dục không tăng theo lộ trình Nghị định số 81/2021/NĐ-CP). Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,7% (cộng trừ 0,5%).
2. NHNN có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, dự báo là lần cắt giảm cuối trong chu kỳ?
Gần đây, NHNN đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu “điều kiện thị trường cho phép”. Tuy vậy, theo nhận định từ các chuyên gia HSBC vẫn thận trọng với những rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là do hiện tượng El Nino đang ngày càng nhiều hơn.
Sau mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn 3,7% trong nửa đầu năm 2023, những dấu hiệu tích cực đang âm thầm xuất hiện. Tuy nhiên, thách thức không hề mờ nhạt, nhưng các chỉ số tần suất cao cho thấy một số dấu hiệu ổn định tích cực.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5%. Mặc dù điều này một phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, nhưng xuất khẩu trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
Trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may, giày dép và điện thoại, tiếp tục chịu sự sụt giảm ở mức hai con số thì các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử lại bất ngờ bù đắp phần nào những khó khăn này, tăng vọt 32% so với cùng kỳ.
Theo nhận định từ HSBC, các hiệu ứng cơ sở đã phần nào hỗ trợ, nhưng các dấu hiệu đang cho thấy một sự ổn định quý giá, đặc biệt là từ các hoạt động nhập khẩu liên quan đến máy tính. Ngay cả như vậy, điều tương tự không xảy ra đối với chu kỳ điện thoại thông minh, lĩnh vực vốn đang tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng. Mặc dù còn sớm để nói, nhưng theo HSBC, các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn – đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn.
3. Nguồn cung dầu Nga tới Ấn Độ sẽ sớm suy giảm mạnh
Nguồn cung cấp dầu của Nga cho các quốc gia châu Á đã đạt đến giới hạn và không thể tăng thêm nữa, theo CNBC. Đặc biệt, tuyên bố này liên quan đến một trong những khách hàng mua vàng đen chủ đạo từ Liên bang Nga, đó chính là Ấn Độ.
Các công ty Ấn Độ đã từng tích cực sử dụng ưu đãi được hưởng chiết khấu lớn đối với mặt hàng năng lượng của Nga. Tuy nhiên bây giờ đơn giản là không có nơi nào để họ lưu trữ nữa. Điều này không có nghĩa New Delhi sẽ từ chối dầu mỏ của Nga, lượng nhập khẩu của New Delhi có thể sẽ duy trì ở mức ổn định trước đó.
Trước đây đã có thông tin cho rằng Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ, chiếm khoảng 40% kim ngạch nhập khẩu loại nguyên liệu thô này của quốc gia Nam Á.
Mặc dù vậy, dầu có nguồn gốc Nga có thể bị hạn chế vì những lý do phi chính trị. Lần đầu tiên trong năm nay, một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ sẽ tiến hành bảo trì – điều đã không được thực hiện trong một thời gian dài.
Lưu ý rằng nhu cầu nhiên liệu ở Ấn Độ – quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới thường giảm vào thời điểm mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài trong 4 tháng liên tiếp. Trong khoảng thời gian này, hoạt động vận tải và tích trữ thường giảm mạnh.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Islamabad sẵn sàng tăng mua dầu của Nga, nếu vậy Moskva sẽ có được một thị trường thay thế đầy triển vọng.
Theo investing