Mỹ cho rằng Nga không có dấu hiệu sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật; Triều Tiên công bố đầu đạn hạt nhân nhỏ; Thủ tướng Israel bật lại ông Biden; Tiếp tục biểu tình lớn ở Pháp… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 29-3.
Mỹ nói không có dấu hiệu Nga sắp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật
Trả lời về vấn đề Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Mỹ cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí này, theo Hãng tin Reuters.
“Chúng tôi đang theo dõi vấn đề này chặt chẽ nhất có thể. Chúng tôi chưa thấy ông Putin có bất kỳ động thái nào thực hiện những gì ông ấy đã nói sẽ làm.
Và chúng tôi cũng chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào ông Putin đang sắp hoặc tiến gần hơn hoặc có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine”, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby phát biểu ngày 28-3.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích rằng cách ông Putin thông báo về kế hoạch triển khai hạt nhân là “nguy hiểm”. “Đây là kiểu nói chuyện nguy hiểm và đáng lo ngại”, ông Biden cho biết.
Cùng lúc, Mỹ cho biết đã thông báo với Nga sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân của Washington cho Matxcơva, đáp lại việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước vũ khí hạt nhân New START.
“Nga đã không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu mà chúng tôi… đã nhất trí trong New START rằng sẽ chia sẻ sáu tháng một lần. Vì họ từ chối tuân thủ nên chúng tôi cũng quyết định không chia sẻ dữ liệu”, ông Kirby nói.
* Israel tìm cách tháo gỡ căng thẳng, Mỹ lên tiếng. Ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Israel không thể tiếp tục thúc đẩy cải cách tư pháp, hiện đã bị hoãn tới tháng sau.
“Tôi hy vọng ông ấy (Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu) sẽ từ bỏ nó”, ông Biden nói.
Đáp lại, ông Netanyahu nói rằng nước này sẽ không để bị ảnh hưởng bởi nước ngoài, kể cả những “bạn thân”.
Cùng ngày, Chính phủ Israel và phe đối lập đã đối thoại “tích cực” về cải cách tư pháp. Tình hình ở Israel cũng yên ắng hơn trong ngày sau khi phía công đoàn hủy kế hoạch đình công.
* Quan chức Mỹ lại thăm Trung Quốc kể từ căng thẳng khinh khí cầu. Ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Rick Waters – người đứng đầu cơ quan giám sát chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc – đã tới Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy kế hoạch đến Bắc Kinh vào đầu tháng 2-2023, chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ trong gần 5 năm, sau khi Washington phát hiện một khinh khí cầu “do thám” của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ.
Cùng ngày, Hãng tin Bloomberg đưa tin cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói chuyện với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị.
Pháp lục soát nhiều ngân hàng nghi gian lận tài chính
Các cơ quan chức năng Pháp khám xét các văn phòng ở Paris của 5 ngân hàng, bao gồm Societe Generale, BNP Paribas, HSBC, Exane và Natixis.
Đây là một phần trong cuộc điều tra lớn hơn ở châu Âu về việc trốn nộp thuế cổ tức. Trước đó, Đức và các nước châu Âu khác đã tiến hành cuộc điều tra tương tự.
Văn phòng công tố tài chính Pháp (PNF) cho biết cuộc điều tra nhắm đến việc các ngân hàng và nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu của các công ty trong thời gian ngắn gần ngày trả cổ tức.
Việc này nhằm mục đích làm quyền sở hữu cổ phiếu trở nên mập mờ và cho phép nhiều bên yêu cầu giảm thuế đối với cổ tức một cách bất hợp pháp.
PNF cho biết không thể đưa ra con số chính xác về quy mô của vụ lừa đảo nhưng nói rằng các ngân hàng có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường chung hơn 1 tỉ USD, bao gồm tiền phạt và trả lãi chậm.
* Triều Tiên công bố các đầu đạn hạt nhân mới và nhỏ hơn. Ngày 28-3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố những bức ảnh về đầu đạn hạt nhân mới có tên Hwasan-31.
Các chuyên gia hạt nhân cho biết những hình ảnh này có thể cho thấy tiến bộ của Bình Nhưỡng trong việc thu nhỏ các đầu đạn đủ để gắn vào các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng chạm đến Mỹ.
Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ sản xuất nhiều nguyên liệu hạt nhân cấp vũ khí hơn để mở rộng kho vũ khí theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
* Tiếp tục đụng độ trong biểu tình phản đối cải cách hưu trí ở Pháp. Ngày 28-3, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát lại tiếp diễn trong cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp đòi chính phủ rút lại kế hoạch cải cách hưu trí, trong đó gồm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Theo Hãng tin AFP, khoảng 13.000 cảnh sát đã được triển khai để đối phó với khoảng 740.000 người biểu tình.
Theo Tuổi Trẻ