Để thị trường phục hồi chắc chắn hơn, thanh khoản phải cao hơn so với những tuần trước.
Ở phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua (ngày 20-10), thị trường phục hồi tích cực với hàng trăm cổ phiếu tăng giá mạnh, thậm chí tăng kịch trần sau 4 phiên giảm sốc. Tuy vậy, dù VN-Index bứt phá tới hơn 20 điểm thì giao dịch trên thị trường vẫn rất thấp, chỉ hơn 14.000 tỉ đồng. Đáng nói, tình trạng thanh khoản thấp đã kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi giai đoạn trước, giá trị giao dịch mỗi ngày đều đạt mức cao từ 20.000 – 30.000 tỉ đồng.
Vì sao?
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường – Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước áp lực tỉ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng.
Những yếu tố này đã kích hoạt đà bán tháo cổ phiếu trên thị trường từ đầu tuần cho đến cuối tuần. Hiệu ứng domino bán giải chấp của các công ty chứng khoán càng khiến đà giảm càng thêm trầm trọng và kéo dài. Chính tâm lý lo lắng, thận trọng của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân hạn chế giao dịch, khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp.
“Khi thị trường lao dốc, nhiều công ty chứng khoán cũng cắt tỉ lệ cho vay ký quỹ (margin) với hàng loạt cổ phiếu khiến sức mua của nhà đầu tư giảm; dòng tiền trên thị trường cũng không dồi dào như trước trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu từ ngày 21-9 đến nay” – ông Hinh lý giải.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), phân tích thị trường trong giai đoạn vừa qua có xu hướng đi xuống với đặc điểm là thanh khoản thấp trong những phiên hồi phục và thanh khoản cao khi thị trường giảm.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, tuần qua là tuần đáo hạn phái sinh, thị trường biến động bất thường nên nhà đầu tư cũng rất thận trọng khi ra quyết định mua bán. “Không chỉ tác động từ tuần đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư trong nước còn lo ngại về xung đột ở Trung Đông, giá dầu tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, chỉ số đồng USD tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục họp bàn về tăng lãi suất… Trong nước, tỉ giá USD/VNĐ đi lên càng khiến tâm lý nhà đầu tư lo lắng, đứng ngoài cuộc và thanh khoản mất hút” – ông Ngọc phân tích.
Giải thích thêm vì sao tuần qua VN-Index dễ dàng thủng 1.100 điểm dù trước đó các chuyên gia và nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng rất lớn vào ngưỡng hỗ trợ này, ông Đỗ Bảo Ngọc chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật. Theo ông, tuần qua thị trường có phiên đáo hạn phái sinh (ngày 19-10) nên có tình trạng VN-Index cứ sau 14 giờ là giảm điểm mạnh, dù trước đó cả ngày vẫn giao dịch bình thường.
“Sau 14 giờ, một số tài khoản của nhà đầu tư sẽ bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu do vi phạm tỉ lệ vốn vay, từ đó tác động tiêu cực tới thị trường. Ngoài ra, khi bước vào 15 phút khớp lệnh đóng cửa (ATC), thị trường tiếp tục bị “đạp” rất mạnh khi những nhà đầu tư lớn đánh xuống (short) bên thị trường phái sinh sẽ bán mạnh cổ phiếu trên thị trường cơ sở, khiến VN-Index giảm sốc. Diễn biến này xảy ra liên tiếp trong tuần đáo hạn phái sinh khiến thị trường chứng khoán “đỏ lửa” và tâm lý nhà đầu tư bi quan” – ông Ngọc phân tích.
Theo cafeF