Dòng tiền của nhà đầu tư ào ạt đổ vào, đẩy giá hàng loạt cổ phiếu ngành dầu khí tăng vọt.
Nóng cổ phiếu dầu khí
Trải qua khoảng thời gian rung lắc, thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch hôm nay 8-8 trong sắc xanh, chỉ số VN-Index nhích nhẹ 1 điểm, lên mốc 1.242,23 điểm. Áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện nhiều hơn, thể hiện qua việc số mã tăng cũng gần bằng số mã giảm giá.
Trong phiên có tổng cộng 28.570 tỉ đồng được nhà đầu tư chứng khoán “sang tay”. Đồng thuận với dòng tiền trong nước, khối ngoại mua ròng hơn 1.040 tỉ đồng.
Đáng chú ý, sau giai đoạn tích lũy, phiên hôm nay cổ phiếu ngành dầu khí trở thành tâm điểm của thị trường với thanh khoản tăng đột biến, nhiều mã vượt vùng đỉnh cũ. Nổi bật là các mã PVT (+1,9%), PVG (+2%), GSP (+2,4%), PVC (+2,6%), PVS (+5%), CNG (+6,8%)…
Diễn biến trên đến từ việc giới đầu tư nhận thông tin, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan, xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai dự án khí Lô B đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Bộ phận phân tích chiến lược của chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết trong nhóm dầu khí có sáu mã cổ phiếu hưởng lợi hàng đầu từ dự án khí Lô B – Ô Môn, gồm: PVS, PVD, PVB, PVC, PXS và GAS.
Theo đội ngũ phân tích của công ty chứng khoán, PVS – Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ dự án Lô B – Ô Môn.
Mảng cơ khí và xây lắp của doanh nghiệp này sẽ nhận được lượng công việc tồn đọng khổng lồ từ dự án, trong giai đoạn đầu có thể nhận được hơn 1 tỉ USD. Bên cạnh đó, việc cung cấp tàu chứa và xuất dầu thô cho dự án Lô B cũng rất tiềm năng.
Yuanta Việt Nam kỳ vọng siêu dự án trên sẽ được nhận quyết định đầu tư cuối cùng vào cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm 2024.
Nhiều điểm sáng
“Về cơ bản, Lô B – Ô Môn vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Hải, khối phân tích chứng khoán VNDirect, chia sẻ.
Song song đó, VNDirect cũng chỉ ra các điểm sáng có thể kỳ vọng đối với ngành dầu khí.
Đầu tiên, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024 có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô, do nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 – 2024.
Với nguồn cung hạn chế, dự báo giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, đạt mức trung bình 80 – 85 USD/thùng trong năm 2023 – 2024.
Tiếp đến, cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng địa chính trị vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng, qua đó có thể tiếp thêm động lực để cơ quan quản lý thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo Quy hoạch phát triển điện 8, điện khí từ cả nguồn khí trong nước và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn 2022 – 2030 với tốc độ tăng trưởng kép công suất đạt 23,1%, chiếm 25% tổng công suất vào năm 2030.
Dù vậy, chuyên gia của VNDirect cũng chia sẻ vẫn tồn tại rủi ro nhất định đối với ngành dầu khí. Điển hình là việc giá dầu thấp hơn kỳ vọng, do việc giá dầu giảm sâu có thể làm suy yếu nền tảng cơ bản của ngành cũng như tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu dầu khí.
Bên cạnh đó còn có rủi ro chậm trễ hơn nữa trong việc triển khai các dự án thăm dò và khai khác dầu khí, đặc biệt là một số dự án lớn như Lô B – Ô Môn.
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng công việc tiềm năng cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn cũng như nguồn cung dầu khí trong nước trong dài hạn.
Nguồn tuoitre.vn