Theo VCCI, quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hoá thay vì sản xuất trong nước. Hàng hoá nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước chính là chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ kể trên.
đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tiếp tục thu hẹp hơn các mặt hàng không chịu thuế VAT.
Theo VCCI, Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác,…Các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hoá thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hoá nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hoá sản xuất trong nước.
Bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu
Theo khảo sát nhanh của VCCI đối với một số doanh nghiệp có liên quan, số thuế GTGT chưa được khấu trừ của các mặt hàng trên xuất phát từ các chi phí đầu vào chịu thuế như chi phí nhà xưởng, văn phòng, chi phí năng lượng (điện, than, xăng dầu), chi phí vận tải, chi phí mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện giao thông, chi phí bao bì, in ấn, chi phí quảng cáo, chi phí nguyên vật liệu đầu vào (đối với các loại nguyên vật liệu chịu thuế như kim loại, khoáng sản…) và một số chi phí khác.
Tỷ lệ thuế GTGT chưa được khấu trừ trong giá thành của các mặt hàng này khác nhau, tuỳ từng dòng sản phẩm cụ thể và từng doanh nghiệp cụ thể. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, tỷ lệ thuế GTGT chưa được khấu trừ có thể dao động từ 1% đối với một số loại nông sản đến 8% đối với phân bón, máy móc.
VCCI đánh giá, quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hoá thay vì sản xuất trong nước. Hàng hoá nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước chính là chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ kể trên.
Nếu so sánh với thuế nhập khẩu, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Việt Nam chỉ chấp nhận hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng với một số đối tác theo nguyên tắc có đi có lại. Tức là các nước khác cũng phải đồng ý mở cửa thị trường cho hàng hoá của Việt Nam.
Trong khi đó, quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đã khiến Việt Nam “cho không” tất cả các nước đối tác số tiền thuế rất lớn và “mở toang” thị trường trong nước của rất nhiều mặt hàng với lợi thế cho hàng nhập khẩu.
4 phương án chuyển các mặt hàng sang chịu thuế VAT
VCCI đồng tình với dự thảo của Bộ Tài chính về định hướng thu hẹp phạm vi đối tượng không chịu thuế tại Điều 5 của Luật, tuy nhiên, cơ quan này đề nghị thu hẹp hơn nữa. VCCI đưa ra 4 phương án chuyển các mặt hàng từ không chịu thuế sang chịu thuế trong đó đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 3 hoặc phương án 4.
Cụ thể, phương án 1 là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5%. Phương án này có ưu điểm là dựa trên mức thuế suất 5% hiện hành, không bổ sung thêm mức thuế mới, không làm phức tạp thêm hệ thống thuế. Tuy nhiên, do chỉ có mức thuế suất 5% nên tác động sẽ không đồng đều đến các mặt hàng, các doanh nghiệp.
Phương án 2 là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5% hoặc 0%
Theo đó, các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ trên 5% thì chuyển về mức 5%, còn các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ dưới 5% thì chuyển về mức 0%.
Phương án này cũng có ưu điểm là dựa trên các mức thuế suất hiện hành là 0% và 5%, không bổ sung thêm mức thuế mới. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi do giảm số thuế phải đóng và được bình đẳng với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, phương án này sẽ khiến ngân sách nhà nước phải chi nhiều tiền để hoàn thuế cho các doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ gian lận thuế cao, chi phí hành thu (quản lý thuế) rất lớn.
Phương án 3 là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau. Việc lựa chọn mức thuế suất phù hợp để chuyển các mặt hàng này sang cần căn cứ vào chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ của mặt hàng đó trong giá thành sản phẩm sản xuất trong nước.
Cụ thể, mức thuế suất mới luôn thấp hơn so với chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm sản xuất trong nước. Ví dụ, đối với mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 6% trong giá thành sản phẩm thì nên chuyển sang diện thuế suất 5%; mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 4% thì có thể chuyển về mức 3%.
VCCI đánh giá, phương án này sẽ khiến các mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu chịu chung một mức thuế suất, xoá bỏ toàn bộ việc bảo hộ ngược. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ phải đặt ra thêm các mức thuế suất mới, gây phức tạp cho hệ thống thuế.
Phương án 4 là cho phép doanh nghiệp trong nước chọn phương pháp tính thuế. Theo phương án này, toàn bộ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không thuộc diện xuất khẩu được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Theo đó, chuyển toàn bộ hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế.
Cụ thể, nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10% vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về thuế như hiện hành; Nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 5% được bổ sung vào diện cho phép lựa chọn phương pháp tính thuế khấu trừ hoặc phương pháp tính thuế trực tiếp (tại các Điều 10 và Điều 11 của Luật);
Với phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp chịu thuế đầu ra 5% giá trị gia tăng và được khấu trừ thuế đầu vào, còn phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp chịu thuế 0% trên doanh thu nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào (bổ sung mức thuế suất 0% vào Điều 11.2.b của Luật áp dụng cho nhóm hàng hoá dịch vụ này); Hàng hoá nhập khẩu thuộc nhóm này nộp thuế 5% khi nhập khẩu.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng không thuộc diện chịu thuế theo pháp luật hiện hành có chi phí thuế chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm nhỏ hơn 5% sẽ có xu hướng lựa chọn phương pháp tính thuế trực tiếp (thuế suất 0% trên doanh thu và không được khấu trừ đầu vào).
Về lý thuyết, diện không chịu thuế và diện thuế suất 0% trên doanh thu theo phương pháp trực tiếp là tương đương, do đều không có thuế đầu ra và không được khấu trừ thuế đầu vào. Như vậy, việc kê khai và nộp thuế đối với nhóm này không có gì thay đổi lớn so với hiện hành.
Đối với các doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng không thuộc diện chịu thuế có chi phí chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm lớn hơn 5% sẽ có xu hướng lựa chọn phương pháp tính thuế khấu trừ. Các doanh nghiệp diện này sẽ được hưởng lợi hơn so với quy định hiện hành cả về số thuế phải nộp và được bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Phương án này có ưu điểm là cơ quan soạn thảo không cần thực hiện khảo sát để tìm hiểu chi phí thuế chưa được khấu trừ trung bình của các loại hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước là bao nhiêu. Đồng thời cũng không phát sinh các mức thuế mới mà vẫn chỉ có các mức 5% và 10% như hiện hành.
Chiều ngược lại, nhược điểm của phương án là có nguy cơ bị phản ánh là hàng hoá nhập khẩu bị đối xử kém thuận lợi hơn so với hàng hoá trong nước, do hàng hoá nhập khẩu buộc phải nộp thuế 5% trên giá trị hải quan, còn hàng hoá trong nước được lựa chọn nộp theo phương pháp khẩu trừ (5% trên GTGT) hoặc phương pháp trực tiếp (không được khấu trừ thuế đầu vào).
Theo investing