Chỉ số chứng khoán quan trọng của Pakistan vừa có phiên tăng mạnh nhất 15 năm còn đồng rupee của nước này cũng tăng tới 4% sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố khoản vay 3 tỷ USD, giúp đất nước này giảm bớt nguy cơ vỡ nợ.
Theo đó, KSE-100 chuẩn của Pakistan đã tăng rất mạnh khi mở cửa trở lại sau 3 ngày nghỉ lễ. Chỉ số này đóng cửa với mức tawgn 6,2%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, đồng rupee của Pakistan cũng tăng 4% lên 274,5 rupee đổi 1 USD.
Việc Pakistan đạt khoản vay 3 tỷ USD từ IMF đã tạo ra những động lực tích cực trên thị trường, giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ tiền ẩn. Hiện tại, Pakistan đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từng được ghi nhận với lãi suất và lạm phát cao ngất ngưởng.
Nhằm ổn định tình hình, Pakistan đã tăng thuế và giá năng lượng. Hồi đầu năm, quốc gia này còn cho phép đồng nội tệ của mình suy yếu nhằm đáp ứng các yêu cầu của IMF. Đồng rupee đã mất hơn 20% giá trị trong năm nay và là một trong những đồng tiền mất giá nhiều nhất toàn cầu.
Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Sự xắp xếp này của IMF giúp các nhà đầu tư trút gánh nặng cũng như lạc quan hơn về khả năng Pakistan sẽ đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn. Thị trường sẽ vẫn khá tốt trong vài tuần tới”.
Ngoài ra, việc định giá rẻ cũng giúp ích cho thị trường Pakistan. Những lo ngại liên quan đến hàng loạt tiêu cực gần đây, từ bất ổn chính trị đến nguy cơ vỡ nợ và đồng rupee mất giá đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy. KSE-100 Index hiện là chỉ số chứng khoán rẻ nhất hành tinh.
Ali Raza, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán quốc tế tại BMA Capital, ở Karachi, Pakistan, cho biết: “Nhìn chung mức định giá đã quá rẻ nên có tiềm năng phục hồi đáng kể”.
Trái phiếu băng đồng USD của Pakistan cũng tăng giá, với trái phiếu đáo hạn vào năm 2015 tăng 17 xu trong tuần qua.
Các số liệu kinh tế cũng đang ủng hộ Pakistan. Lạm phát của Pakistan đã lần đầu giảm vào tháng 6 sau khi tăng liên tiếp 7 tháng trước đó. Giá tiêu dùng cũng tăng 29,4% trong tháng 6 so với 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, bức tranh vẫn còn nhiều mảng xám. Pakistan phải đối mặt với 23 tỷ USD nợ nước ngoài, dự kiến đáo hạn trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 7. Số tiền này lớn gấp 6 lần dự trữ ngoại hối của đất nước. Số tiền 3,5 tỷ USD dự trữ của Pakistan hiện chỉ đủ cho nhập khẩu hàng hóa trong chưa đầy 1 tháng và thấp hơn nhiều so với chuẩn tối thiểu toàn cầu là 3 tháng.
Tham khảo: Bloomberg