Thị trường vận tải biển thay đổi chóng mặt, giá cước tăng gấp đôi
Thị trường vận tải container đã nóng lên đáng kể trong vài tuần qua, với giá cước vận tải ở nhiều tuyến ở mức gấp đôi cùng kỳ.
Trong báo cáo mới nhất, công ty môi giới tàu Intermodal cho biết thị trường vận tải đã thay đổi rất chóng mặt.
“Chỉ cách đây vài tuần, thị trường vận tải container còn khá cân bằng, với cước phí giảm sau đợt tăng đột biến ban đầu do việc chuyển hướng tàu ra khỏi Biển Đỏ vì xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đáng kể với lĩnh vực này hiện đang trải qua sự gián đoạn nghiêm trọng và sự hồi phục mạnh mẽ của cước phí giao ngay trên các tuyến thương mại chính với nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng đột biến này”, trích từ báo cáo.
Chara Georgousi, Chuyên gia tại Intermodal, nhận định việc chuyển hướng tàu ra khỏi Biển Đỏ do xung đột đang diễn ra đã ảnh hưởng đáng kể đến lịch trình vận chuyển.
“Tuyến đường thay thế quanh Mũi Hảo Vọng tăng thêm tới hai tuần cho thời gian hành trình, làm gián đoạn kế hoạch và tăng tiêu thụ nhiên liệu cũng như chi phí. Sự chuyển hướng này đã dẫn đến hiệu ứng domino, với các trung tâm trung chuyển lớn ở châu Âu và châu Á trở thành nút thắt cổ chai, làm chậm thêm việc di chuyển hàng hóa. Đáng chú ý, thời gian chờ đậu tại các cảng lớn kéo dài đến 7 ngày, trong khi thời gian lưu trữ hàng hóa tại Thượng Hải đạt mức cao nhất trong 3 năm”, bà chia sẻ về tình hình hiện tại.
Sự tắc nghẽn nghiêm trọng này đã dẫn đến tình trạng tàu tập trung và buộc một số nhà vận chuyển phải bỏ qua các cảng dự kiến, làm tăng thêm vấn đề tại các cảng hạ nguồn phải xử lý khối lượng hàng hóa bổ sung. Nhìn tổng thể, ước tính tình trạng tắc nghẽn cảng ngày càng xấu đi đã loại bỏ hơn 2% nguồn cung tàu container kể từ tháng 3/2024..
Bà Georgousi cũng cho biết: “Ngành vận tải biển đang đối mặt với các gián đoạn vận hành như xuất hiện các cuộc tấn công cướp biển ngoài khơi Somalia ngày càng nhiều và các mối đe dọa an ninh tại Eo biển Hormuz, từ đó đòi hỏi các bên phải điều chỉnh lại tuyến đường và lịch trình vận chuyển.
Thêm vào đó, tình trạng hạn hán ở Panama đã giảm khả năng vận chuyển qua kênh đào này, áp đặt các hạn chế về mớn nước và làm trì hoãn thêm việc di chuyển hàng hóa giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Điều này buộc các tàu phải chờ lâu hơn để đi qua kênh đào hoặc tìm các tuyến đường thay thế, tăng thời gian vận chuyển tổng thể và sự tắc nghẽn tại các cảng khác”.
Trong khi đó, các nhà xuất nhập khẩu đang tăng cường nhập khẩu trước hàng hóa để giảm thiểu các gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai. “Hành vi này, tương tự như các chiến lược đã thấy trong thời kỳ đại dịch COVID-19, góp phần vào sự tăng vọt hiện tại về nhu cầu. Các công ty đang vận chuyển hàng hóa sớm trước mùa cao điểm truyền thống, dẫn đến sự gia tăng hoạt động trong thị trường sớm hơn. Hành vi dự trữ phòng ngừa nhằm đảm bảo hàng tồn kho cho nửa cuối năm, đặc biệt là mùa lễ, đang làm căng thẳng thêm hệ thống vốn đã căng thẳng”, bà Georgousi nói.
Giá cước tăng mạnh
Theo Chuyên gia phân tích của Intermodal, tác động kết hợp của các gián đoạn này đã dẫn đến sự tăng mạnh của cước phí.
Trong tuần kết thúc vào ngày 06/06, chỉ số cước vận tải container của Drewry vọt 12% lên 4,716 USD cho mỗi FEU (container 40ft), tức tăng 181% so với cùng kỳ và cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019.
Chẳng hạn, cước phí trên tuyến Thượng Hải đến Genoa đạt 6,664 USD mỗi FEU, tăng 213% so với cách đây 1 năm. Ngoài ra, cước phí trên tuyến Thượng Hải đến New York gần đây đạt 6,463 USD mỗi FEU, tăng khoảng 142% so với cách đây 1 năm, trong khi cước phí trên tuyến Thượng Hải đến Los Angeles gần đây đạt 5,975 USD mỗi FEU, tăng khoảng 215% so với cùng kỳ.
Nhìn về phía trước, vị chuyên gia này dự báo thị trường vận chuyển container dự kiến sẽ vẫn biến động mạnh. Mặc dù phần công suất vận tải bổ sung trong năm nay được kỳ vọng sẽ giảm bớt một số áp lực, nhưng triển vọng tổng thể phụ thuộc vào nhiều biến số.
“Nếu nhu cầu vượt quá kỳ vọng, đặc biệt khi chúng ta tiến gần đến mùa cao điểm truyền thống, áp lực lên mạng lưới tuyến và sự sẵn có của container sẽ vẫn cao. Căng thẳng địa chính trị và các gián đoạn vận hành đang diễn ra cũng có khả năng kéo dài, góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá giao ngay gần đây có thể bắt đầu ổn định. Với năng lực vận hành dự kiến vượt 30 triệu TEU trong nửa sau của năm 2024 và khi các nhà xuất nhập khẩu điều chỉnh hành vi của mình, thị trường có thể thấy sự giảm dần của các nút thắt hiện tại”, bà Georgousi kết luận.