Thị trường chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc và lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước đã giảm xuống dù các ngân hàng trung ương đã lên tiếng cảnh báo trước những dự đoán về khả năng hạ lãi suất.
Giới đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương lớn sắp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Niềm tin này đã giúp các thị trường khởi sắc. Nhưng năm 2024 có thể tạo nhiều bất ngờ, giữa lúc thế giới đang thích nghi với một trật tự kinh tế với lãi suất ở mức cao.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc và lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước đã giảm xuống trong những tuần gần đây, dù các ngân hàng trung ương đã lên tiếng cảnh báo trước những dự đoán về khả năng hạ lãi suất.
Tại Mỹ, giới đầu tư đang tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm,” tức kiềm chế được lạm phát mà không gây ra một đợt suy thoái.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng khả năng này rất thấp. Lượng tiền tiết kiệm của người dân trong thời kỳ dịch COVID-19 đang cạn dần, và “những đám mây đen” đang kéo đến, nhất là với cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ.
Giới đầu tư dự đoán Fed có thể hạ lãi suất 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024. Nhưng kể cả thế thì lãi suất lúc đó vẫn ở mức gần 4%, cao hơn mức lãi suất trong phần lớn thời gian 20 năm qua.
Ở mức này, chính sách tiền tệ vẫn có tác dụng kìm hãm tăng trưởng, vì nó vẫn ở trên mức lãi suất được gọi là trung hòa, tức là mức lãi suất mà ở đó nền kinh tế không tăng trưởng cũng không suy giảm.
Bên cạnh đó, triển vọng trong năm 2024 còn đối mặt với nhiều “cơn gió ngược.” Đó là hai cuộc xung đột lớn, những căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng đang cản trở toàn cầu hóa, và các cuộc bầu cử ở nhiều nước – vốn là yếu tố có thể thay đổi đáng kể trật tự thế giới theo cách không ngờ đến.
Dù Fed và các ngân hàng trung ương khác đã và đang nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng thế giới vẫn chưa hoàn tất quá trình chuyển dịch từ thời kỳ lãi suất thấp sang thời kỳ lãi suất cao. 2024 có thể là năm mà tác động của quá trình chuyển dịch này thể hiện rõ ràng hơn.
Điều đó có nghĩa là các công ty, và trong nhiều trường hợp là cả các quốc gia – sẽ phải tái cơ cấu nợ, vì không còn khả năng trả lãi.
Điều này có thể nhận thấy phần nào ở các cuộc đàm phán về nợ ở các thị trường mới nổi và làn sóng phá sản doanh nghiệp.
Số đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2020, và vẫn chưa dừng lại ở đó.
Các lĩnh vực như bất động sản thương mại sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Thị trường văn phòng ở nhiều nơi đã lao đao vì hình thức làm việc mới hậu đại dịch.
Còn với người tiêu dùng, dù các khoản tiền tiết kiệm sẽ thu lãi cao hơn, nhưng chi phí đi vay tăng sẽ đòi hỏi phải có sự thích nghi.
Nhiều người Mỹ đã quen với lãi suất vay thế chấp kỳ hạn 30 năm ở mức thấp. Nhưng giờ đây họ sẽ phải làm quen với mức lãi suất cao hơn gấp đôi./.
Theo Vietstock