Giá Bitcoin (BTC) đã tăng trong hai tuần qua sau khi giảm xuống mức thấp 38.505 USD vào ngày 23/1. Phân tích kỹ thuật từ khung thời gian hàng ngày cho thấy giá BTC giao dịch dưới vùng hợp lưu quan trọng của các mức kháng cự trong khoảng từ 43.600 USD đến 44.800 USD.
Vùng kháng cự được tạo ra bởi mức kháng cự Fib thoái lui 0,5-0,618, vùng kháng cự ngang và đường hỗ trợ của kênh song song tăng dần trước đó. Chỉ số RSI hàng ngày củng cố tầm quan trọng của vùng kháng cự này khi vừa chạm đến đường phân kỳ giảm (đường màu xanh lá cây) trước toàn bộ chuyển động đi xuống.
Vì vậy, xu hướng BTC được coi là giảm trừ khi giá bứt phá và đóng cửa trên mức hợp lưu của các mức kháng cự 43.600 USD-44.800 USD. Một đột phá lên trên vùng này có thể kích hoạt mức tăng 16% tới đường kháng cự của kênh ở 49.500 USD.
Tuy nhiên, nếu Bitcoin không vượt qua vùng kháng cự quan trọng này thì nó có thể giảm 16% xuống mức hỗ trợ gần nhất là 35.500 USD.
Những áp lực bán mà Bitcoin có thể đối diện trong tháng 2/2024
Thứ nhất, áp lực bán từ các Bitcoin Miners còn tiếp diễn khi sự kiện Bitcoin Halving càng gần.
Joaowedson từ CryptoQuant đã chỉ ra những điểm rất đáng chú ý thông qua dữ liệu từ các Bitcoin Miners. Trong bối cảnh thị trường đang đếm ngược đến sự kiện Bitcoin Halving còn chưa đầy 90 ngày nữa, thì:
Lượng BTC mà các Miner nắm giữ sụt giảm đáng kể (đường màu vàng). Các Miner liên tục chuyển BTC lên sàn, đến mức lượng BTC chuyển lên sàn từ các thợ mỏ cao gấp ba lần chiều ngược lại. Điều này gây áp lực bán BTC trên sàn.
Khi mà Bitcoin Halving càng gần, độ khó khai thác liên tục lập mức cao hơn, các thợ mỏ càng cạnh tranh hơn. Do đó, họ cần nhiều chi phí hơn để đầu tư vào những máy đào thế hệ mới nhất. Chi phí đó lấy từ việc bán Bitcoin.
Chính vì thế, áp lực bán Bitcoin từ các thợ mỏ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Thứ hai, áp lực bán từ Grayscale sẽ còn tiếp diễn trong tháng 2.
Áp lực bán thứ 2 và cũng là áp lực bán được chú ý nhiều nhất trong trong giai đoạn hậu phê duyệt Bitcoin ETF, đó là Grayscale liên tục bán Bitcoin. Gần đây, hầu như ngày nào nhà đầu tư cũng đọc những tin tức về việc Grayscale chuyển hàng nghìn đến chục nghìn BTC lên Coinbase (NASDAQ:COIN).
Bằng chứng là Coinbase Premium (chênh lệch giữa giá BTC lên Coinbase và trên Binance) đã duy trì mức âm liên tiếp trong tuần qua. Điều này chứng tỏ lực bán trên Coinbase rất mạnh mẽ, trùng khớp với giai đoạn Grayscale liên tục chuyển Bitcoin lên sàn này.
Ki Young Ju – Founder và CEO của CryptoQuant – cho biết GBTC holding đã giảm 15% chỉ trong bảy ngày, và đây là tốc độ sụt giảm lớn nhất từ trước đây nay của quỹ này. Ki Young Ju tính toán rằng nếu giữ nguyên tốc độ này thì Grayscale có thể “bán sạch” hết số BTC họ có vào giữa tháng 3.
Cuối cùng, dòng Inflow từ nhà đầu tư cá mập và cá voi Bitcoin tăng cao
Áp lực bán thứ ba đến từ một bộ phận những nhà đầu tư Bitcoin có số dư lớn. Điều này thể hiện qua dữ liệu Exchanges Inflow phân loại theo các hạng ví. Crazzyblockk đã trình bày dữ liệu này với phân loại sau:
Shark inflow: ví cá mập Bitcoin có số dư 100–1.000 BTC nạp BTC lên sàn, màu vàng.
Whale inflow: ví cá voi Bitcoin có số dư hơn 1.000 BTC nạp BTC lên sàn, màu hồng đỏ.
Biểu đồ cho thấy, trong suốt quá trình tăng giá kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến nay, hoạt động inflow lên sàn từ các ví này sôi động. Và khi Bitcoin ETF được phê duyệt thì lượng inflow có khuynh hướng tăng mạnh hơn. Có thể nhận định, những nhà đầu tư lớn đang lợi dụng sức thanh khoản dồi dào khi giá BTC ở mức cao để bán ra.
Tuy nhiên, cũng lần lưu ý rằng: khi có áp lực bán ra cũng có nghĩa sẽ có bên mua vào. Ngay cả khi cá voi Bitcoin bán ra thì cũng có cá voi Bitcoin khác mua vào. Có thể ví dụ, Grayscale bán ra nhưng vẫn còn đến mười quỹ ETF còn lại tích cực mua vào. Những áp lực liệt kê trên giúp nhà đầu tư nhận diện và đánh giá thị trường, nhưng đường giá sẽ được quyết định bởi sức mua/bán của bên nào mạnh mẽ hơn.
Theo Người Quan Sát