Sản xuất và tiêu thụ thép Q1/2023 giảm do nhu cầu yếu. Thị trường 20/4

Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có những tin tức gì mới? Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 3 có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên nhìn chung quý 1/2023, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn giảm khá mạnh, lần lượt là 20,9% và 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. NHNN đã bơm lượng lớn tiền đồng vào thị trường thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ. Tỷ giá USD ngày 20/4: USD ngân hàng đồng loạt giảm… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Năm ngày 20/4.

  1. Sản xuất và tiêu thụ thép Q1/2023 giảm do nhu cầu yếu

Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 3 và quý 1/2023 từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản xuất thép thành phẩm tháng 3/2023 đạt 2,406 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 27,9% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,216 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ.

Tính chung quý 1/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 2/2023 đạt khoảng 796 ngàn tấn, tăng 18,49% so với tháng 1/2023 và tăng 31,79% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 602 triệu USD tăng 46,91% so với tháng trước và tăng 13,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,425 triệu tấn thép, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 1,031 tỷ USD giảm 26,73% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (37,31%), Khu vực EU (20%), Ấn Độ (9,34%), Thổ Nhĩ Kỳ (7,32%) và Hoa Kỳ (6,39%).

Chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt khoảng 840 ngàn tấn, với trị giá hơn 673 triệu USD, tăng lần lượt 41,73% về lượng và 28% về giá trị so với tháng 1/2023 và giảm lần lượt 6,1% về lượng, 27,73% về giá trị so với cùng kỳ 2022.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 1,433 triệu tấn với trị giá hơn 1,199 tỷ USD, giảm 25,15% về lượng và giảm 40,36% về giá trị.

Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm:Trung Quốc (32,49%), Nhật Bản (15,6%), Ấn Độ (12,91%), Hàn Quốc (11,26%) và Đài Loan (10,27%).

Không chỉ giảm sản xuất và tiêu thụ, mà giá thép xây dựng cũng liên tục giảm. Cụ thể, ngày 7/4, các doanh nghiệp thép trong nước đã đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng từ 100.000 – 610.000 đồng/tấn, và chưa đầy 1 tuần sau, ngày 12/4, tiếp tục giảm thêm từ 150.000 – 720.000 đồng/tấn. Như vậy, sau hai đợt giảm liên tiếp, giá thép xây dựng hiện đang quanh mức từ 15,02 – 16,88 triệu đồng/tấn (tùy sản phẩm, thương hiệu và khu vực thị trường).

Theo VSA, giá thép xây dựng giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.

  1. NHNN đã bơm lượng lớn tiền đồng vào thị trường thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 10/4-14/4 từ CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) cho thấy trong tuần trước, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng không còn quá dồi dào và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng thời thực hiện cung cấp thanh khoản thông qua kênh hoạt động thị trường mở và nghiệp vụ mua ngoại tệ.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN tăng mạnh khối lượng chào thầu trên kênh mùa kỳ hạn (tổng cộng 160.000 tỷ, từ mức 40.000 tỷ) ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày và lãi suất cố đinh 5%. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 66.800 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 7 ngày là 29.300 tỷ và 28 ngày là 37.400 tỷ.

NHNN không chào thầu trên kênh bán tín phiếu. Kết tuần, khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu duy trì ở mức 110.700  tỷ đồng và trên kênh cầm cố ở 71.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã bơm một lượng lớn tiền đồng vào thị trường thông qua việc mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối .

Lãi suất liên ngân hàng  tiếp tục bật tăng ở kỳ hạn dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất VND (HM:VND) bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 5,4%, tăng 0,3 điểm % so với tuần trước đó, và lãi suất 1 tuần đến 1 tháng dao động 5,4% – 5,6%.

  1. Tỷ giá USD ngày 20/4: USD ngân hàng đồng loạt giảm

Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 101,96 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,01% ở mức 1,0957. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,29% ở mức 1,2429. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,13% ở mức 134,90.

Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (20/4) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.642 VND/USD, tăng thêm 16 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.460 – 24.824 VND/USD.

Tỷ giá USD trong nước sáng nay được điều chỉnh giảm đồng loạt tại thị trường ngân hàng.

Vietcombank (HM:VCB) và BIDV (HM:BID) lần lượt hạ 30 và 25 đồng ở cả hai chiều mua bán. 30 đồng cũng là mức giảm giá bán USD tại Eximbank (HM:EIB). Các ngân hàng còn lại có mức thay đổi tỷ giá xuống 20 đến 22 đồng so với mức niêm yết cùng giờ hôm qua.

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.260 – 23.340 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.640 – 23.798 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở BIDV và Eximbank.

Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.450 – 23.500 VND/USD, giá mua và giá bán cùng giảm 20 đồng so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.

Theo investing

0865 205 590