Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức ngày 22-6 (giờ địa phương).
Đài CNN đánh giá việc Thủ tướng Ấn Độ Modi được chào đón ở Nhà Trắng, hình thức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ, đòi hỏi Tổng thống Biden phải chấp nhận một số đánh đổi.
Hiện có những luồng ý kiến phản đối ông Modi, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của Ấn Độ đối với chính sách toàn cầu của Mỹ.
Tại cuộc gặp ngày 22-6, ông Biden và ông Modi ca ngợi kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Hai nước đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng về quốc phòng và thương mại, được hiểu có thể giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Màn đón tiếp thủ tướng Ấn Độ được Nhà Trắng chuẩn bị công phu. Chuyến đi cũng được báo chí Mỹ tường thuật đậm nét ở cả những tương tác cá nhân giữa hai lãnh đạo.
Trao đổi với ông Modi tại quốc yến, ông Biden khẳng định Mỹ và Ấn Độ là hai quốc gia vĩ đại, hai người bạn vĩ đại và là hai cường quốc. Đáp lại, ông Modi khen: “Ông ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng khi hành động lại vô cùng mạnh mẽ”.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đã phá lệ khi bất ngờ nhận câu hỏi phỏng vấn của phóng viên, khác với hình ảnh thông thường.
CNN lưu ý việc ông trả lời phỏng vấn thể hiện hình ảnh “bước khỏi vùng an toàn”, trái ngược với những chỉ trích về cách ứng xử lâu nay của ông với báo chí.
Khi được hỏi về cách ông xử lý các ý kiến trái chiều và người theo tôn giáo thiểu số, ông Modi đáp: “Chắc chắn không dung thứ cho thái độ phân biệt. Khi bạn nói về nền dân chủ, nếu không có giá trị con người và nhân văn, thì không có nhân quyền, và như thế cũng không phải là một nền dân chủ”.
Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới theo nghĩa đen. Hiện Ấn Độ đã vượt mặt Trung Quốc về dân số và Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào tiếng nói của thị trường đông dân nhất thế giới này.
Dù vậy, không phải lúc nào chính sách của Ấn Độ và Mỹ cũng tương đồng. New Delhi bị cho không cứng rắn với Trung Quốc hoặc Nga theo mong muốn của Mỹ. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu ưu tiên của Washington là kéo Ấn Độ tới gần hơn, biến New Delhi thành một đối trọng chiến lược với Trung Quốc.
Vừa qua, ông Modi cũng không trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh, nhưng ông nói: “Mây đen của sự cưỡng ép và đối đầu đang bao phủ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự ổn định của khu vực đã trở thành một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ hợp tác của chúng ta”.