Ông Alexander BÖHMER, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ xuống 4,9% và 5,9% vào năm 2024. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á (Asean) là khu vực có sự phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn, trong đó ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022. Dự báo mức tăng trưởng chung của ASEAN đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.
Tuy nhiên, OECD đánh giá tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động, ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.
Theo OECD, Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua, từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19. GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của OECD đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt gần 25%.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dân số già đi nhanh chóng sẽ bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đặc biệt khi Việt Nam cần mở rộng phạm vi bao phủ lương hưu công. Để tiếp tục nâng cao mức sống, cần phải tăng nguồn thu thuế để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bao gồm phạm vi bảo trợ xã hội lớn hơn, đồng thời thúc đẩy năng suất lao động và tính năng động kinh doanh cũng như giảm tình trạng phi chính thức của thị trường lao động.
Theo investing