Các chuyên gia tại Nomura dự báo NHTW ở châu Á có thể bắt đầu giảm lãi suất sớm hơn Fed.
Sự xoay trục về chính sách tiền tệ của châu Á sẽ diễn ra trước Fed, vì khu vực này có điều kiện kinh tế vĩ mô khác biệt, các chuyên gia kinh tế tại Nomura cho biết trong báo cáo ngày 07/07.
“Chúng tôi cho rằng các NHTW châu Á sẽ giảm lãi suất trước Fed trong chu kỳ này. Quan điểm này dựa trên sự khác biệt trong điều kiện cơ bản giữa châu Á và Mỹ”, các chuyên gia nhận định.
Biên bản họp tháng 6/2023 của Fed cho thấy họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất, nhưng ở nhịp độ chậm hơn. Trái lại, Trung Quốc đã chuyển sang giảm lãi suất khi nền kinh tế nước này chững đà hồi phục và các chuyên gia kêu gọi bơm thêm gói kích thích.
Theo khảo sát của đội ngu nghiên cứu Nomura, hơn 32% người tham gia kỳ vọng NHTW Hàn Quốc sẽ tiếp bước Trung Quốc trong việc giảm lãi suất, kế đó là Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
“Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và ngay cả Indonesia có thể giảm lãi suất trước cả Fed, vì lạm phát giảm nhanh hơn, nhu cầu yếu và lãi suất thực cao hơn”, các chuyên gia cho biết.
Lạm phát ở châu Á đang giảm nhanh
Các chuyên gia kinh tế tại Nomura cho rằng hoạt động sản xuất hàng hóa suy giảm đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng ở khu vực này và khiến lạm phát giảm nhanh. Đây là lý do khiến họ kỳ vọng các NHTW hạ lãi suất trước Fed.
“Khu vực này cũng đang bước vào giai đoạn có nhu cầu khá yếu, điều này phản ánh tác động có độ trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ”, họ viết. “Khi nhu cầu nội địa hạ nhiệt và lạm phát lõi trên đà giảm, họ sẽ nới lỏng bớt chính sách”.
Họ nói thêm không giống với Mỹ, các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động “không phải là một nỗi lo của châu Á”, trừ Singapore. Các chuyên gia này đánh giá lạm phát ở châu Á bị chi phối bởi nguồn cung nhiều hơn nhu cầu.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn giảm phát, trong khi lạm phát Hàn Quốc dao động quanh 2.7%, gần mức mục tiêu của NHTW.
“Quá trình giảm lạm phát đang tiến triển nhanh hơn ở châu Á, nhất là ở các thị trường mới nổi. Tại đây, thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI và đà tăng của lạm phát phụ thuộc nhiều hơn vào phía cung”, các chuyên gia kinh tế viết.
Theo CNBC