Từ khóa “nới lỏng” được nhắc đến nhiều hơn thời gian gần đây, khi tăng trưởng nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có tới 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, ban hành các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu. Gần đây nhất là việc phân bổ hết hạn mức tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng lên tới 14-15%… để gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, dư nợ cho vay toàn hệ thống sau 6 tháng đầu năm mới đạt 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.
Lý giải về vấn đề đó, đại diện VPBank (HM:VPB) cho rằng, có những vướng mắc bản thân ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được. Khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, mấy trăm nghìn công nhân thất nghiệp… Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về chính sách.
Một hình thức “nới lỏng” được đề xuất là để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.
Để giảm lãi suất, Thủ tướng, Thống đốc, Hiệp hội ban hành rất nhiều các văn bản kêu gọi, vận động, áp dụng các biện pháp hành chính cũng đã giảm được rất nhiều nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định. Bên cạnh đó, để kích cầu tín dụng cần tập trung để kích thích tiêu dùng nội địa trong nửa cuối năm vì đây mới là yếu tố quan trọng nhất.
Theo MBKE với những quyết sách gần đây như tăng hạn mức tín dụng từ 11% lên 14%, NHNN đang tiếp tục chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng như mục tiêu, MBKE cho rằng NHNN sẽ giao hạn mức tăng trưởng tín dụng nhiều hơn cho các ngân hàng trong diện: đã sử dụng hết hạn mức trong nửa đầu năm 2023, có cơ sở khách hàng vững chắc, và tuân thủ chỉ đạo của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. “Lãi suất cho vay cần và có khả năng sẽ giảm thêm 1%-1,5% từ cuối quý 3 khi việc giảm mạnh lãi suất huy động có hiệu lực.
Chúng tôi cũng kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong 3 tháng tới để giúp lãi suất cho vay giảm hơn nữa”, dựa trên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2023, xu hướng lãi suất cho vay, MBKE dự đoán kinh tế có thể phục hồi hình chữ U, và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt cao nhất khoảng 12% cho năm 2023.
Theo investing