Lạm phát và nợ xấu sẽ là hai yếu tố thách thức với mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2024, theo các chuyên gia.
Vì sao lãi suất tiền gửi liên tục giảm?
Những ngày cuối năm 2023, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn. Thậm chí nhóm bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, gồm Vietcombank (HM:VCB), Agribank, BIDV (HM:BID) và Vietinbank (HM:CTG) – vốn đã niêm yết lãi suất ở mức thấp hơn giai đoạn Covid-19 – cũng giảm thêm lãi suất huy động.
Xu hướng lãi suất giảm sâu năm 2023 có lẽ gây không ít bất ngờ với nhiều người, đặc biệt là diễn biến giảm lãi suất trong giai đoạn cuối năm, điều hiếm khi xảy ra trong quá khứ.
Đầu tháng 1-2024, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi với mức giảm khoảng 0,1-0,4% ở tất cả các kỳ hạn, đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp hơn so với kỳ điều chỉnh trước.
Chẳng hạn, BaoVietBank giảm 0,2-0,4% lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn từ 8-1-2024, VietABank giảm 0,1-0,3% lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn trong cùng ngày. Trước đó, OCB giảm 0,3-0,4% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống từ 5-1-2024.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, ba ngân hàng gồm BIDV, VietinBank và Agribank có mức lãi suất tương đương nhau. Với tiền gửi tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 2,2% một năm, kỳ hạn 3-5 tháng ở mức 2,5% một năm, kỳ hạn 6-9 tháng ở mức 3,5% một năm, kỳ hạn từ 12-18 ở mức 5% một năm, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên ở mức 5,3% một năm.
Riêng Vietcombank có mức lãi suất tiền gửi thấp hơn với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 1,9% một năm, kỳ hạn 3-5 tháng ở mức 2,2% một năm, kỳ hạn 6-9 tháng ở mức 3,2% một năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,8% một năm.
Với bối cảnh trên, nhiều chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp trong năm 2024, thậm chí còn có thể giảm thêm, dù lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ được giữ nguyên tại mức hiện nay.
Cơ sở để các chuyên gia đưa ra dự báo trên là việc các ngân hàng Trung ương lớn dự kiến sẽ kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và quay lại chu kỳ cắt giảm lãi suất khi lạm phát đã hạ nhiệt. Ngoài ra, kinh tế trong nước có xu hướng phục hồi những tháng cuối năm với tốc độ chậm, nên cần giảm thêm lãi suất để kích thích tăng trưởng nhanh hơn.
Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 5,05%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5%. Do đó, chính sách sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6.5%.
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống đang khá dồi dồi dào với nhiều ngân hàng thừa vốn, do tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 chậm hơn so với nguồn vốn đầu vào, gồm tiền gửi từ khách hàng, lượng giấy tờ có giá phát hành thêm và vốn điều lệ tăng thêm. Việc nhiều ngân hàng chạy nước rút tăng trưởng cho vay trong những ngày cuối năm nay, bằng các chương trình ưu đãi lãi suất “khủng”, là minh chứng cho hiện tượng thừa vốn hiện nay.
PGS (HN:PGS).TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc các ngân hàng hạ thấp lãi suất huy động là phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng Việt Nam.
Cụ thể, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 2,9% và là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao. Thậm chí, trong hệ quy chiếu với nhiều đồng tiền khác thì đồng Việt Nam còn lên giá.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn đã có mức huy động vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất – kinh doanh tương đối lớn thời gian qua, nhưng khả năng sử dụng các nguồn vốn này vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh đem lại lợi nhuận chưa được như mong muốn. Vì vậy, lượng tiền tệ tồn kho trong các ngân hàng tương đối cao.
“Để giải quyết vấn đề này và phù hợp thực tiễn là các ngân hàng lớn quyết định hạ thấp hơn lãi suất huy động so với thời gian trước đây. Có thể nói là mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây”, ông Thịnh phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, lãi suất kỳ hạn ngắn có thể giảm một chút, còn lãi suất kỳ hạn dài hơn vẫn duy trì ở mức cũ, tức trên 5% một năm. Điều này là phù hợp với bối cảnh lạm phát ở mức hơn 3%.
Tương tự, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, dự báo mặt bằng lãi suất tại Việt Nam sẽ thấp hơn và ít biến động hơn giai đoạn 2022-2023, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo nhiều cách – bao gồm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, vào thời điểm đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất chậm, nhưng thặng dư thương mại tăng vọt từ khoảng 0% GDP trong nửa đầu năm 2022 lên 6% GDP trong nửa đầu năm 2023, vì nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu.
Cả năm 2023, xuất khẩu giảm 4% so với năm 2022, xuống mức 355,5 tỉ đô la. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm 9% so với năm 2022, xuống mức 327,5 tỉ đô la. Điều này tạo ra mức thặng dư thương mại cao kỷ lục là 28 tỉ đô la, theo Tổng cục Thống kê.
“Thặng dư tăng lên đã cho phép NHNN giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023 mà không gây áp lực quá mức lên giá trị của đồng Việt Nam”, ông Michael Kokalari đánh giá.
Với năm 2024, chuyên gia này dự báo cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chuyển từ thặng dư lớn sang thâm hụt nhỏ, bất chấp những dự báo rằng xuất khẩu đã bắt đầu hồi phục. Điều này sẽ tạo ra một số áp lực giảm giá trị đối với đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhiều dự báo đồng thuận về việc giá trị của đô la Mỹ sẽ giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, thì tỷ giá USD/VND sẽ được giữ ổn định bởi áp lực lên đồng Việt Nam giảm so với giai đoạn 2022-2023.
“Tỷ giá USD/VND ổn định đồng nghĩa rằng mặt bằng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ ổn định, bởi việc tăng – giảm lãi suất đồng Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023 đều liên quan đến vấn đề tỷ giá USD/VND”, ông Michael Kokalari kỳ vọng.
Với lãi suất cho vay, ông Đinh Trọng Thịnh dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có cơ hội giảm thêm, vì lãi suất cho vay hiện tương đối cao so với lãi suất huy động.
“Trước đây, khi lãi suất huy động cao, ngân hàng cho vay với mức lãi suất tương ứng, nên khi lãi suất huy động giảm, cần có độ trễ để lãi suất cho vay giảm theo”, ông Thịnh nói và cho rằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm một chút trong thời gian tới.
Còn ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết lãi huy động và cho vay hiện nay đã giảm khá xa so với thời điểm trước dịch Covid-19. Ngoài ra, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện chỉ mức 0,2-0,3%, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động do 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là ngắn hạn, chỉ 20% là trung và dài hạn. Ngược lại, trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn.
Do đó, các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn với kỳ hạn 12 tháng hoặc 24 tháng, cộng với biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay trung – dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động.
Cẩn trọng trước lạm phát và nợ xấu
Tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng ngay từ quý đầu năm 2024, qua đó đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế cả năm trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái dồi dào và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức khá thấp. Ngoài ra, việc kiểm soát lạm phát năm 2023 theo mục tiêu cũng sẽ tạo dư địa mở rộng chính sách tiền tệ – tài khoá năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lưu ý việc điều hành thị trường giá cả và chính sách tiền tệ không được chủ quan trước rủi ro lạm phát. Bên cạnh đó, những diễn biến bất ngờ từ thị trường quốc tế có thể tác động làm gia tăng tỷ giá USD/VND, qua đó tác động tới mặt bằng lãi suất.
Với rủi ro nội tại, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê, cho biết một trong những yếu tố chính có thể gây áp lực với lạm phát 2024 là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Ngoài ra, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Năm 2024, Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục, từ đó tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bên cạnh đó, EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao.
Hơn nữa, việc thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước dự kiến thực hiện từ 1-7-2024. Còn lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% có thể là những yếu tố làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, khiến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng lên.
Với rủi ro bên ngoài, bà Lê Thanh Nga, Vụ Tài chính, tiền tệ thuộc Bộ KHĐT, cho biết lạm phát trên thế giới có xu hướng giảm trong năm tới nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 5,8% vào năm 2024 – theo dự báo của IMF. Ngoài ra, một số ngân hàng Trung ương lớn như Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát và chỉ bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm 2024.
Báo cáo mới công bố từ Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết chỉ số CPI tháng 12-2023 tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn con số dự báo là 0,2% của các chuyên gia kinh tế. Xét trong giai đoạn 12 tháng, chỉ số CPI tăng 3,4% so với cùng kỳ, cao hơn so với con số dự báo là 3,2%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn đeo bám nền kinh tế Mỹ.
Còn ông Michael Kokalari cho rằng “rủi ro lớn nhất trong những dự báo khá tích cực” là viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” suy giảm. Tình huống dẫn này dẫn tới giá trị của đô la Mỹ sẽ tăng do xu hướng nắm giữ đô la Mỹ, qua đó hạn chế khả năng Việt Nam cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó với tình huống nêu trên bằng các giải pháp kích thích tài khóa, bao gồm gia tăng đầu tư công.
Bên cạnh yếu tố lạm phát, nợ xấu tăng cũng khiến các ngân hàng buộc phải trích lập nhiều, dẫn đến chi phí tín dụng tăng và ít có dư địa để giảm lãi suất.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 2,2% tại thời điểm cuối quí 3-2023 – cao hơn 0,6% so với thời điểm cuối năm 2022, theo thống kê của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS). Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 2,3% tại thời điểm cuối quí 3-2023 – cao hơn 0,5% so với thời điểm cuối năm 2022.
Thực tế, con số trên chưa phản ánh toàn diện bức tranh nợ xấu bởi nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023 của Chính phủ với quy định hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023 của NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay đến cuối tháng 6-2024.
Theo đó, những quy định của Thông tư 02/2023 góp phần hạn chế sự gia tăng nợ xấu. Nhưng khi chính sách này hết thời hạn áp dụng vào tháng 6-2024, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của VietinBank sáng 6-1, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cũng nhấn mạnh việc tỷ lệ nợ xấu đang tăng rất cao.
“Thời điểm Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa nhậm chức (năm 2011 – PV), nợ xấu khi khoảng 12-13%, là sau khi bong bóng bất động sản vỡ. Hơn 10 năm qua, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, cộng thêm sự hỗ trợ của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu mới giảm. Tuy nhiên, chu kỳ mới của nợ xấu đang lặp lại, nguyên nhân một phần do một số ngân hàng yếu kém, một phần do ngày càng nhiều doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ”, ông Tú nói và cho biết nợ xấu là của doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng đối mặt với nợ xấu là chính các ngân hàng.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng thì dự phòng rủi ro của một số không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/tổng nợ xấu – PV) suy giảm. Một thống kê của WiChart, số dư dự phòng rủi ro vào cuối quí 3-2023 của các ngân hàng niêm yết ở mức 196.550 tỉ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, số dư nợ xấu là gần 210.000 tỉ đồng, tăng 52,7% cùng khoảng thời gian.
Điều này khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 123% tại thời điểm cuối năm 2022 xuống 94% tại thời điểm. cuối quí 3-2023. Thậm chí, một số ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm, qua đó ghi nhận lợi nhuận khả quan.
Chẳng hạn, Sacombank (HM:STB) ghi nhận thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi giảm trong trong quí 3-2023, nhưng báo lợi nhuận tăng hơn 36%, nhờ chi phí dự phòng giảm gần 66% so với cùng kỳ.
Saigonbank lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong quí 3-2023 trong bối cảnh nhiều mảng kinh doanh kém khởi sắc, chủ yếu nhờ cắt giảm một nửa chi phí dự phòng, mặc.
Các ngân hàng tư nhân có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh nhất so với cuối năm 2022 bao gồm MB, TPBank, LPBank, Sacombank, ACB (HM:ACB), Techcombank (HM:TCB), với mức giảm lần lượt 116,1%, 88%, 74,6%, 66,8%, 64,7%, 64,3%.
Nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quí 3-2023 giảm so với cuối năm ngoái như Vietcombank giảm gần 50%, VietinBank giảm 59,6%, BIDV giảm 58,5%, nhưng vẫn ở mức cao, lần lượt là hơn 270%, 172,4%, 158,4%.
Theo Vietstock