Ngoài lạm phát, Fed còn cân nhắc cung – cầu lao động và hoạt động cho vay của các ngân hàng để đánh giá có nên tiếp tục tăng lãi.
Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và ra tín hiệu có thể sẽ dừng nâng lãi. Tuy nhiên, Fed không cho hay chính xác khi nào họ biết là đã đến thời điểm đó.
Trng cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết định dựa trên “toàn bộ dữ liệu sắp tới và tác động của chúng lên triển vọng kinh tế, lạm phát”. Fed đã nâng lãi suất 10 lần trong hơn một năm qua để ghìm lạm phát. Dưới đây là 4 yếu tố họ đang theo dõi để quyết định liệu đã nâng lãi đủ hay chưa.
Hoạt động cho vay của các ngân hàng
Ngành ngân hàng Mỹ vẫn quay cuồng trong rắc rối từ đầu tháng 3, với 3 vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank. Việc này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng địa phương khác.
Tuần trước, Powell cho biết họ “đặc biệt quan tâm” đến việc các ngân hàng vừa và nhỏ có đang thắt chặt cho vay hay không. Vì điều này sẽ làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm lạm phát, khiến việc tiếp tục nâng lãi trở nên không cần thiết. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và ngành tài chính, nếu cuộc khủng hoảng lan rộng.
Powell nói rằng một báo cáo của Fed, dự kiến công bố hôm 8/5, sẽ chỉ ra “hoạt động cho vay vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ đã chậm lại kể từ nửa cuối năm ngoái”.
Quan chức Fed cũng đang theo dõi giá cổ phiếu của các ngân hàng địa phương, vốn giảm mạnh gần đây. Các ngân hàng này đang đối mặt với rủi ro bị rút tiền gửi, do nhiều nhà băng không nâng lãi suất tiết kiệm khi Fed tăng lãi. Việc này đang gây sức ép lên giá cổ phiếu và có thể khiến họ càng khó tăng vốn.
Tăng trưởng thu nhập
Thu nhập của người lao động tăng vọt khi Mỹ hồi phục trong đại dịch, gây ra tình trạng thiếu nhân lực, phần nào kéo lạm phát lên cao. Mức tăng lương hiện đã giảm so với đỉnh năm ngoái, nhưng vẫn ở mức cao.
Lương giờ trung bình tại Mỹ tăng 4,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Lao động Mỹ. Powell thì nói rằng mức tăng 3% “sẽ gần với mốc họ cần” để kéo lạm phát về mục tiêu.
Nhu cầu lao động
Fed cũng đang theo dõi các dấu hiệu khác cho thấy thị trường lao động hạ nhiệt. Vì điều này sẽ giúp giảm tốc độ tăng lương. “Chúng tôi đã thấy sự giảm nhiệt nhẹ. Nguồn cung lao động mới đã xuất hiện. Nhiều diễn biến rất tích cực. Nhưng thị trường lao động vẫn rất mạnh”, Powell nhận xét.
Trong tháng 4, hoạt động tuyển dụng vẫn sôi động. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã chạm mốc 3,4% – thấp nhất kể từ năm 1969. Số việc làm được tạo ra trong tháng 3 giảm, nhưng vẫn vượt số người thất nghiệp đang tìm việc.
Lạm phát
Quan chức Fed cho biết muốn nhìn thấy bằng chứng rõ ràng, bền vững rằng lạm phát đang dịch chuyển về mục tiêu 2%. “Nếu số liệu vài tháng đều cho thấy điều đó, chúng tôi mới tin là mình đang đi đúng hướng”, Powell nói.
Fed đang theo dõi nhiều số liệu về lạm phát. Công cụ ưa thích của họ là Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ. Theo chỉ số này, lạm phát tháng 3 chỉ còn 4,2% – hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh 40 năm xác lập tháng 6/2022. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (đã trừ giá năng lượng và thực phẩm nhiều biến động) lại tăng 4,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế học coi đây là chỉ số dự báo mức tăng giá sát hơn.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin thế giới tại đây.