Các thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu để xác nhận rằng lãi suất có được giảm vào tháng 6 hay không, mặc dù giá dầu đang tăng trở lại có thể làm mờ đi bức tranh về lạm phát và khiến các nhà hoạch định chính sách ở Canada, New Zealand và Hàn Quốc phải xem xét lại kế hoạch của mình.
Cũng trong những ngày tới, Trung Quốc chuẩn bị công bố hàng loạt dữ liệu quan trọng và các ngân hàng Mỹ bắt đầu mùa báo cáo thu nhập.
Dưới đây là những sự kiện tài chính sẽ diễn ra trong tuần 8-12/4/2024.
1/ ECB có thể sẽ bật đèn xanh
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ họp vào thứ Năm (11/4), có thể sẽ chuẩn bị cho việc bắt đầu hạ lãi suất.
Các nhà giao dịch nhận thấy gần 100% khả năng ECB sẽ cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản vào tháng 6/2024, vì vậy việc thể chế này có bật đèn xanh cho động thái giảm lãi suất hay không sẽ rất quan trọng để duy trì tâm lý thị trường. Một loạt các nhà hoạch định chính sách của ECB đã báo hiệu rõ ràng rằng tháng Sáu sẽ là bước ngoặt đầu tiên. Ngay cả Thống đốc Robert Holzmann có tư tưởng cứng rắn cũng không phản đối ý tưởng này.
Dữ liệu cho thấy lạm phát trong khu vực bất ngờ giảm xuống 2,4% trong tháng 3/2024, sẽ giúp tiếp thêm niềm tin cho ECB. Vì vậy, ECB rất có thể sẽ phát đi tín hiệu về việc sắp cắt giảm lãi suất.
Câu hỏi đặt ra là các nhà hoạch định chính sách có thể tỏ ý rõ ràng về động thái tháng Sáu hay không, vì họ muốn xem xét số liệu tăng trưởng tiền lương quý I/2024, sẽ được công bố vào tháng 5/2024.
2/ Vòng tuần hoàn của dầu thô
Bất ổn địa chính trị gia tăng và sự gián đoạn nguồn cung ở một số điểm nóng sản xuất đang đẩy giá dầu quay trở lại mức 90 USD/thùng lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Các ngân hàng trung ương có xu hướng tập trung vào cái gọi là lạm phát cốt lõi nhằm loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm. Nhưng đối với các doanh nghiệp thì không thể loại bỏ giá dầu thô ra khỏi phương trình tính toán.
Và giả định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với các ngân hàng đồng cấp – nguyên nhân đã đẩy đồng đô la tăng giá mạnh trong năm nay. Điều đó lại làm suy yếu sức mua của các khách hàng lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, làm tăng hóa đơn nhập khẩu năng lượng của họ.
Tất cả điều này làm đau đầu cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia đó, những tổ chức đã can thiệp hoặc cảnh báo sẽ can thiệp để hỗ trợ tiền tệ của họ nhằm ngăn chặn kiểu lạm phát theo vòng luẩn quẩn.
3/ Mùa báo cáo thu nhập quý 1
Báo cáo hàng quý từ các ngân hàng lớn sẽ sớm khởi động mùa thu nhập.
Theo LSEG IBES, sau kết quả quý 4/2023, thu nhập của các công ty trong chỉ số S&P 500 dự kiến sẽ đạt mức tăng 5% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp năm nay sẽ mạnh mẽ để hỗ trợ chứng khoán duy trì mức cao kỷ lục. Tỷ lệ price-to-earnings ( tỷ lệ P/E- chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) của S&P 500 đang ở mức cao nhất trong khoảng hai năm.
JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo đều báo cáo kết quả vào ngày 12/4. Delta Air Lines và BlackRock nằm trong số những công ty đáng chú ý khác sẽ cung cấp thông tin cập nhật doanh thu hàng quý trong những ngày tới.
Trọng tâm chú ý của thị trường cũng sẽ tập trung vào dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 3, công bố vào thứ Tư (10/4) sau khi số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 3/2024 và tiếp tục nâng lương đều đặn – có khả năng khiến Fed trì hoãn thời điểm cắt giảm lãi suất.
4/ Các dữ liệu quan trọng từ Trung Quốc
Ngày càng có những dấu hiệu đầy hứa hẹn về sự đảo chiều – được chờ đợi từ lâu – của nền kinh tế Trung Quốc, giúp giữ giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp nước này ở gần mức cao nhất trong nhiều tháng cho đến kỳ nghỉ Lễ Thanh minh trong tuần qua.
Shanghai Composite gần đây đã có đợt tăng giá lớn nhất trong một tháng sau khi dữ liệu cho thấy ngành sản xuất tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một năm. Tiếp theo đó là những con số thậm chí còn đáng hy vọng hơn cho thấy sự tăng tốc trong hoạt động dịch vụ, điều cho thấy tâm lý của người tiêu dùng cuối cùng thì cũng phấn chấn trở lại.
Những ngày tới sẽ mang đến một loạt các chỉ số mới có thể hỗ trợ hoặc phá hoại sự lạc quan đó: chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất vào thứ Năm và dữ liệu thương mại vào thứ Sáu.
Đây sẽ là những thử nghiệm quan trọng về khẩu vị của người tiêu dùng. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng sẽ là yếu tố then chốt vì đợt tăng đầu tiên trong 6 tháng trong đợt dữ liệu trước đó là yếu tố giúp chứng khoán Trung Quốc đạt mức đỉnh sau tháng 11, mặc dù số liệu có thể bị sai lệch do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
5/ Nhiều ngân hàng trung ương lớn khác sẽ họp chính sách
Bên cạnh ECB, các nhà hoạch định chính sách những nơi khác trên thế giới sẽ họp trong tuần này, bao gồm ngân hàng trung ương Canada và New Zealand gặp nhau vào thứ Tư (10/4), Singapore và Hàn Quốc vào thứ Sáu (12/4).
Dự đoán không có ngân hàng nào sẽ thay đổi lãi suất, nhưng các nhà giao dịch trên thị trường muốn biết khi nào việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra và các nhà hoạch định chính sách sẽ điều hướng hành động như thế nào. Các thị trường đã giảm đặt cược vào việc Canada sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 sau khi có tin nền kinh tế tăng trưởng 0,6% trong tháng 1/2024, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một năm.
New Zealand đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật nhưng với lạm phát vẫn ở mức trên 4,5%, việc nới lỏng dự kiến sẽ không diễn ra cho đến tháng 8.
Singapore đang vật lộn với lạm phát cao và nguy cơ áp lực giá cao sẽ còn kéo dài khi các buổi hòa nhạc gần đây của Taylor Swift khiến giá cả ngành dịch vụ tăng cao.
Và ngân hàng trung ương Hàn Quốc hồi tháng 2 cho biết còn quá sớm để thay đổi lộ trình lãi suất khi lạm phát ở mức 3,1% và không chắc chắn sẽ tiếp tục hạ. Thị trường chỉ đặt cược vào việc Hàn Quốc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Tham khảo: Reuters