Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. Thị trường trái phiếu thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động? Trung Quốc có thể sẽ phải hạ lãi suất đồng nhân dân tệ trước tháng 10? Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay sẽ có 3 tin tức đáng chú ý với nội dung dưới đây.
1. NHNN yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cùng đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND (HM:VND) các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Các Ngân hàng thương mại cũng vừa có động thái giảm lãi suất hàng loạt như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank (HM:EIB)), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB (HM:ACB)), Ngân hàng Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank (HM:HDB)), ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)…, đã thay đổi biểu lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm % so với trước.
2. Thị trường trái phiếu thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động?
Trên phố Wall, trong giới đầu tư hiện đang xuất hiện niềm tin ngày một lớn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã hoàn tất quá trình nâng lãi suất, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa những rối loạn trên thị trường trái phiếu sẽ sớm qua đi, theo Bloomberg.
Nhà đầu tư tin rằng trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi biến động tăng cao khi mà bất ổn kinh tế leo thang đe dọa ảnh hưởng đến định hướng chính sách của ngân hàng trung ương hoặc khiến cho họ phải duy trì lãi suất ở ngưỡng cao hơn trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Hiện tại, một số quan chức Fed hiện đang tin vào khả năng sẽ có thêm những công việc cần phải làm khi mà lạm phát vẫn duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% bất chấp chiến dịch điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong 4 thập kỷ trong thời gian gần đây.
Tại ngân hàng Barclays, các chiến lược gia thị trường đã khuyên khách hàng bán trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm bởi dự báo lãi suất sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong năm sau, đi ngược lại với đồn đoán nói chung rằng Fed sẽ bắt đầu khởi động cho việc cắt giảm lãi suất từ tháng 3/2203.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm, một chỉ báo nền tảng của toàn bộ hệ thống tài chính, hiện đang trở lại ngưỡng cao của năm ngoái.
Bất ổn ngày càng tăng cao cùng với những đợt phát hành nợ mới cũng như việc chính quyền liên bang chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng cao gây ra sức ép tâm lý lên thị trường trái phiếu. Cùng với việc lợi suất trái phiếu tăng, nhìn chung thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ mang lại lợi suất chỉ 0,1% trong năm nay, theo chỉ số của Bloomberg, thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều chuyên gia.
Sau cuộc họp bàn về chính sách vào tháng 7/2023 khi mà Fed nâng lãi suất qua đêm khoảng ¼ điểm phần trăm, chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh quyết định chính sách của cơ quan này vào tháng 9/2023 sẽ tùy thuộc vào số liệu kinh tế công bố trong hai tháng sắp tới.
Cho đến nay, các báo cáo kinh tế đã củng cố cho dự báo lãi suất sẽ được duy trì ổn định trong tháng 9/2023, tăng trưởng việc làm hạ nhiệt và dấu hiệu lạm phát yếu đi. Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng lõi, vốn không tính đến giá thực phẩm và năng lượng vốn có nhiều biến động, và được coi như chỉ báo tốt hơn về xu thế lạm phát, vẫn tăng 4,7% trong tháng 7/2023. Vào ngày thứ Sáu, chỉ số giá sản xuất tăng ở tốc độ cao hơn so với kỳ vọng, đẩy tăng lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ các kỳ hạn.
Trong tuần tới, nhà đầu tư sẽ chờ đợi biên bản của cuộc họp vào ngày 25 và 26/7/2023 của Ủy ban Thị trường Mở thuộc Fed (FOMC) để có thể biết các nhà hoạch định chính sách kinh tế dự báo lãi suất sẽ theo hướng nào và quan điểm giữa các quan chức Fed khác biệt nhau đến đâu.
Cuộc họp thường niên của người đứng đầu các ngân hàng trung ương toàn cầu trong tháng này dự kiến sẽ có cuộc họp tại Jackson Hole, Wyoming. Ông Powell sẽ có thể bác bỏ những kỳ vọng vào khả năng Fed hạ lãi suất chủ chốt xuống ngưỡng 4% vào tháng 1/2025. Hiện tại lãi suất cơ bản đồng USD đang trong ngưỡng 5,25% đến 5,5%.
Ngay cả như vậy, một số nhà đầu tư vẫn rót tiền vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, thị trường chịu ảnh hưởng bởi lãi suất cao và nỗi lo về khả năng sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ thực sự không thể bền vững. Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng đang đón nhận lượng tiền vào cao kỷ lục đến năm thứ 2 liên tiếp, theo tính toán của Bank of America.
Chiến lược gia ngành tài chính tại quỹ Main Street Financial Solutions, bà Kerrie Debbs, cảnh báo khách hàng về việc trái phiếu không hẳn đã là thiên đường an toàn và sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán có thể không duy trì được.
3. Trung Quốc có thể sẽ phải hạ lãi suất đồng nhân dân tệ trước tháng 10?
Số liệu tín dụng của tháng 7/2023 cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc sụt giảm.
Những vấn đề trên thị trường bất động sản, đặc biệt vụ việc công ty bất động sản Country Garden phá sản trong thời gian gần đây không khỏi ảnh hưởng đến tâm lý nói chung. Niềm tin người tiêu dùng thấp.
Dự báo về khả năng Trung Quốc sẽ có thể hạ lãi suất cơ bản đồng nhân dân tệ trước thời điểm cuối tháng 9/2023, nếu không có các đợt điều chỉnh lãi suất như vậy, hoàn toàn có rủi ro Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay.
Vào thứ Ba, Trung Quốc dự kiến công bố số liệu kinh tế tháng 7/2023 cho thấy không có nhiều sự thay đổi so với tháng 6/2023 nhìn từ tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định, theo khảo sát mới nhất của Reuters. Doanh số bán lẻ tháng 7/2023 dự kiến tăng 4,7%, cao hơn một chút so với tháng 6/2023.
Lĩnh vực bất động sản, nơi mà nhiều hộ gia đình Trung Quốc tích trữ tài sản, hiện đang khiến nhiều người lo lắng về khả năng sự suy giảm của nó sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Vào cuối tuần qua, doanh nghiệp bất động sản Country Garden công bố đã tạm thời ngưng giao dịch với khoảng 10 lô trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường Trung Quốc nội địa.
Trong tuần trước đó, công ty đã không thanh toán được tiền lãi của hai khoản trái phiếu được định giá bằng đồng USD, theo Reuters.
Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều thuận lợi hơn doanh nghiệp tư nhân trong việc có được các khoản tín dụng tại Trung Quốc nơi mà các ngân hàng nhà nước chiếm đa số. Các doanh nghiệp bất động sản nhà nước Trung Quốc cũng kinh doanh nhà tốt hơn so với nhóm doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, theo phân tích dựa trên các dữ liệu lịch sử tại Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cần phải suy giảm thêm đến khoảng 10% nữa mới có thể rơi xuống ngưỡng suy giảm tệ hại như Nhật hoặc Hàn Quốc từng trải qua trước đây, theo giám đốc quản lý đầu tư tại quỹ Brandes Investment Partners – ông Louis Lau phân tích.
Tuy nhiên ông Lau cũng nhấn mạnh đến việc bất động sản đóng góp khoảng 30% GDP tại Trung Quốc còn tại Hàn Quốc và Nhật, tỷ lệ này ở ngưỡng khoảng 20%.
Năm 2020, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch siết chặt kiểm soát vấn đề nợ nần của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều tháng gần đây, giới chức đã nới lỏng quan điểm quản lý của họ, tuy nhiên họ không đưa ra gói kích cầu quy mô lớn.
“Khi mà chính phủ càng cố hỗ trợ cho thị trường bất động sản, sẽ càng khó để ngành này lập đáy”, ông Lau nói.
Theo investing