Trong phiên 9/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành tín phiếu mới. Đây là lần dừng hút tín phiếu đầu tiên của NHNN sau gần 2 tháng trở lại đây (21/9-8/11)
Chiều ngược lại, NHNN chào thầu mua tín phiếu kỳ hạn 7 ngày song không có thành viên nào tham gia.
Trong phiên giao dịch hôm nay, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu tới ngày đáo hạn, đồng nghĩa với lượng tiền tương ứng sẽ được bơm trở lại hệ thống.
NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Hoạt động đấu thầu tín phiếu của NHNN
Theo thống kê từ ngày 21/9 – 8/11, NHNN đã phát hành tổng cộng 365.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. Đến ngày 9/11/2023, đã có 185.695 tỷ đồng trở lại hệ thống qua lượng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, khối lượng tín phiếu đang lưu hành là 179.650 tỷ đồng và đáo hạn trong thời gian tới.
Theo số liệu từ NHNN, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được áp dụng vào ngày 8/11 là 0,83%/năm, tăng mạnh so với mức lãi suất 0,14% áp dụng cho ngày 21/9 – thời điểm NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu.
Việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 vừa qua đã khiến DXY đảo chiều giảm mạnh. Ở trong nước, tỷ giá USD/VND cũng giảm liên tục trong 5 phiên từ 3/11-8/11. Ngày 9/11, tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết ở mức 24.002 đồng/USD. Áp lực tỷ giá có phần nguôi ngoai so với giai đoạn trước.
Một số yếu tố được cho sẽ giúp tỷ giá trong nước ổn định gồm: Nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư; nguồn đầu tư ngoại trực tiếp FDI kỷ lục; dự trữ ngoại hối giữ ở mức cao 93-95 tỷ USD; lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ biến động giảm nhanh, giảm áp lực rút ròng dòng vốn đầu tư trên thị trường.
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bám sát các mục tiêu vĩ mô cho giai đoạn cuối năm 2023.
Theo investing