NHNN bơm ròng hơn 25 ngàn tỷ đồng
Tuần qua (28/10-04/11/2024), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục linh hoạt kết hợp cả 2 nghiệp vụ mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO).
Cụ thể, trong thời gian từ 28/10-04/11, NHNN đã cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay 64,000 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm. Trong đó, phiên 04/11 có giá trị cao nhất trong hơn 3 tháng qua, lên đến 30,000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhà điều hành phát hành 23,850 tỷ đồng tín phiếu ở 2 kỳ hạn 14 ngày (15.6 ngàn tỷ đồng) và 28 ngày (8.25 ngàn tỷ đồng). Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày đạt 3.7-3.75%/năm và kỳ hạn 28 ngày ở mức cố định 3.99%/năm.
Mặt khác, trong thời gian từ 29/10-04/11, khoản vay kênh cầm cố trong tuần (22-28/10) đáo hạn, hút khỏi thị trường 23,015 tỷ đồng thanh khoản. Thêm vào đó, 4,400 tỷ đồng và 3,900 tỷ đồng tín phiếu phát hành trong phiên 18/10 và 21/10 đáo hạn trong phiên 01/11 và 04/11 nên đã bơm trở lại thị trường 8,300 tỷ đồng.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng 25,435 tỷ đồng thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh thị trường mở. Trong đó, có 54,000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 82,500 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Theo SSI (HM:SSI) Research, NHNN linh hoạt kết hợp cả kênh mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu trên kênh hoạt động thị trường mở nhằm kiểm soát thanh khoản trong hệ thống. Trong đó, yếu tố mùa vụ cuối tháng khiến một vài NHTM tăng cường sử dụng kênh mua kỳ hạn.
Sau động thái của NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bật mạnh trong 2 ngày đầu tuần (28-29/10) lên 4.7%/năm và hạ nhiệt dần về cuối tuần (01/11) xuống còn 3.9%, không thay đổi so với tuần trước đó. Tuy nhiên, chuyên gia SSI dự báo trong tuần này (04-08/11), áp lực thanh khoản vẫn hiện hữu khi kết quả về bầu cử Tổng thống Mỹ hay quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 11 sẽ ảnh hưởng tới biến động tỷ giá, và có thể các động thái can thiệp từ NHNN sẽ tác động tới diễn biến thanh khoản và lãi suất thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng).
Theo Vietstock