Tháng 3 và tháng 4 luôn là giai đoạn cao điểm mùa đại hội cổ đông thường niên ngành ngân hàng, trong đó nhiều ngân hàng năm nay có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm trả bằng cổ phiếu. Nhật Bản và Trung Quốc là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ với tổng giá trị cho vay gần 2.000 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 36 khi nắm giữ xấp xỉ 37 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ. Tỷ giá USD ngày 3/3: Mạnh lên trở lại… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay.
1. Nhiều ngân hàng chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023
Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 ngân hàng công bố kế hoạch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Các ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông, chốt danh sách phân phối lợi nhuận. Khác với 3 năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì năm nay không còn siết việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao. Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Đây là điều kiện để các ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, cũng là tín hiệu vui cho cổ đông ngân hàng nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đang trong xu hướng giảm:
- Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HM:TPB) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán là 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng này sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức. Đến thời điểm này TPBank được cho là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều nhất.
-
Ngân hàng TMCP Á Châu (HM:ACB) có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HM:VPB) tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2022 mới đây, cho biết sẽ triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
-
Ngân hàng TMCP Quốc tế (HM:VIB) cũng vừa có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận tạm ứng cổ tức tiền mặt là ngày 10/2/2023. Ngày VIB thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức tiền mặt là 3/3/2023. Sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, VIB cho biết, sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án trên được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức. Đại diện VIB cho biết, con số 35% có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
2. Việt Nam cho chính phủ Mỹ vay 37 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc cùng giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ nước ngoài của chính phủ liên bang tại ngày 31/12/2022 là gần 7.315 tỷ USD, giảm 426 tỷ USD (tức 5,5%) so với mức đỉnh lịch sử xác lập đúng một năm trước đó. Chính phủ Mỹ vay nợ thông qua phát hành chứng khoán Kho bạc, bao gồm các kỳ hạn khác nhau từ ba tháng đến 30 năm. Các chứng khoán có kỳ hạn dưới một năm được gọi là tín phiếu, nếu kỳ hạn từ 20 năm trở lên gọi là trái phiếu.
Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với giá trị chứng khoán Kho bạc nắm giữ đạt gần 1.100 tỷ USD. Trung Quốc đại lục xếp thứ hai với 867 tỷ USD. Các tên tuổi đứng sau lần lượt là Anh, Bỉ, Luxembourg,….
Đài Loan và Hong Kong lần lượt xếp thứ 9 và thứ 11 trong danh sách chủ nợ nước ngoài của Mỹ. Ấn Độ – quốc gia đông dân thứ 2 thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á – đứng ở vị trí số 10 về giá trị nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ.
Trung Quốc từng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong phần lớn giai đoạn 2008 – 2019, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Tuy nhiên, liên tục từ tháng 6/2019 đến cuối năm 2022, Nhật Bản đã vượt lên và nắm chắc ngôi đầu. Cả hai cường quốc Đông Á này đều có điểm chung là cắt giảm đáng kể lượng chứng khoán Kho bạc Mỹ nắm giữ trong những tháng cuối năm 2022.
Việt Nam nắm giữ 36,9 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ tại ngày cuối năm 2022, đứng thứ 36 trong số các chủ nợ của Mỹ. Nước ta xếp ngay sau Tây Ban Nha, Ba Lan, Italy và ngay trước Chile, Peru. So với đỉnh lịch sử 45,2 tỷ USD vào tháng 9/2021, giá trị chứng khoán Kho bạc Mỹ của Việt Nam đã giảm hơn 18%.
3. Tỷ giá USD ngày 3/3: Mạnh lên trở lại
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 104,96 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,05% ở mức 1,0602. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,06% ở mức 1,1954. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,04% ở mức 136,71.
Trong nước, ngày 3/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ như sau:
Trên thị trường tự do, cuối ngày 2/3, giá USD được giao dịch ở mức 23.700 – 23.800 VND/USD (mua – bán).