Dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước đã xác nhận những đồn đoán trước đó của giới tài chính rằng Tokyo đã can thiệp ngoại hối bằng hai cuộc bán mạnh USD. Trong đó, lần đầu tiên diễn ra ngay sau khi tỷ giá đồng yên rớt xuống mức thấp nhất 34 năm là 160,245 yên đổi 1 USD vào hôm 29/4, và đợt thứ hai diễn ra vào ngày 2/5, theo VnEconomy.
Theo đó, các nhà chức trách Nhật Bản đã chi 62,23 tỷ USD mua gần 9,8 nghìn tỷ yên trong cuộc can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ tỷ giá đồng yên trong vòng 1 tháng qua. Giới phân tích nhận định rằng sự can thiệp này giúp giữ cho đồng yên tránh được việc thiết lập những mức đáy mới, nhưng khó có thể đảo ngược được xu hướng giảm giá trong dài hạn.
Dù hơn 62 tỷ USD dự trữ ngoại hối đã được “đốt” để vực dậy đồng yên, hiệu ứng bảo vệ tỷ giá không kéo dài. Thị trường lại đang chờ xem liệu nhà chức trách Nhật Bản có tiếp tục can thiệp và can thiệp sớm như thế nào, trong bối cảnh tỷ giá yên vẫn đang dao động gần 160 yên đổi 1 USD – ngưỡng mà thị trường xem là giới hạn để có sự can thiệp.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đưa ra cảnh báo can thiệp mới, nhắc lại rằng giới chức nước này đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trên thị trường tiền tệ và sẵn sàng triển khai tất cả các biện pháp cần thiết. Cho tới hiện tại, giới chức Nhật Bản vẫn tránh bình luận hay tiết lộ thông tin về việc họ có can thiệp vào thị trường hay không, nhưng không ngừng cảnh báo rằng họ sẵn sàng hành động vào bất kỳ lúc nào để xử lý mức độ biến động gia tăng của tỷ giá.
Số liệu hàng tháng mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm thứ Sáu chỉ phản ánh tổng mức can thiệp vào thị trường ngoại hối trong kỳ báo cáo. Số liệu chi tiết hơn sẽ được đưa ra trong báo cáo hàng quý, dự kiến được công bố vào tháng 8.
Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng mất giá kéo dài của đồng yên chính là sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ – yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Do Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5%, mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang áp dụng lãi suất gần 0%, nên chênh lệch lãi suất lớn này khiến đồng yên liên tục trượt giá so với USD.
BOJ đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 năm nay, chấm dứt chính sách lãi suất âm, nhưng được dự báo sẽ từ tốn trong việc nâng lãi suất. Điều này đồng nghĩa chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì và triển vọng hồi phục của đồng yên sẽ chưa rõ ràng.
Theo investing