Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính (FSA) của Nhật Bản đang chuẩn bị nới lỏng các quy định đối với mảng quản lý tài sản, tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà quản lý lâu nay có thể lập công ty riêng hoặc hỗ trợ các công ty quản lý tài sản mới ra đời.
Cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản (FSA) hy vọng rằng sự gia nhập của nhiều công ty quản lý tài sản độc lập hơn sẽ khuyến khích cạnh tranh nhiều hơn và từ đó mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà đầu tư. Ảnh: Nikkei Asia |
Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra kế hoạch mời gọi nhân tài và các quỹ phương Tây đến kinh doanh ở Nhật Bản, trong bối cảnh ngành quản lý tài sản ở Nhật Bản đang lép vế với các công ty phương Tây về số lượng nhà quản lý chuyên nghiệp lẫn quy mô giá trị tài sản quản lý.
Chỉ tập trung vào nghiệp vụ đầu tư
Một thay đổi quan trọng là chính phủ Nhật sẽ cho phép các doanh nghiệp mới tập trung chủ yếu vào đầu tư. Có nghĩa là các công ty có thể lập một hãng con hoặc bộ phận quản lý nhỏ hơn chuyên nghiệp vụ đầu tư vào các sản phấm tài chính và công ty tài chính, chứ không phải là một công ty cồng kềnh bao trùm các chức năng quản lý tài sản và kiêm luôn các nhiệm vụ hành chính như tính toán các khoản đầu tư, công bố các báo cáo mỗi tháng và báo cáo về tuân thủ.
Hiện tại, các hãng quản lý tài sản ở Nhật Bản phải kiêm nhiệm cả hai chức năng này.
Với các quy định mới, FSA hy vọng sẽ thúc đẩy các công ty quản lý tài sản nhỏ hơn ở Nhật Bản, cho phép họ thuê các công ty bên ngoài thực hiện các nhiệm vụ hành chính. FSA sẽ xem xét việc giám sát các công ty quản lý như vậy để đảm bảo chất lượng của các công ty quản lý tài sản.
Sự thay đổi này cũng được kỳ vọng sẽ đa dạng hóa các loại hình công ty quản lý tài sản ở Nhật Bản và cung cấp nhiều sản phẩm hơn cho các nhà đầu tư. Ví dụ, các công ty quản lý tài sản có thế mạnh đầu tư nhất định, chẳng hạn như chủ động sử dụng các công cụ phái sinh hoặc tập trung vào các công ty chưa được giao dịch đại chúng.
FSA đặt mục tiêu đệ trình dự thảo sửa đổi Đạo luật về quỹ tín thác đầu tư và công ty đầu tư (AITIC) lên quốc hội vào năm tới. Luật sửa đổi sẽ cho phép thành lập một công ty tập trung vào quản lý vốn đầu tư.
Khi FSA thực hiện khảo sát các công ty tài chính nước ngoài về những trở ngại khi thâm nhập thị trường Nhật Bản, nhiều công ty đã chỉ ra gánh nặng tuyển dụng và bố trí nhân viên thực hiện công việc hành chính và các nhiệm vụ khác.
Một khó khăn khác là các nhà đầu tư định chế, đặc biệt là các quỹ hưu trí lớn, có xu hướng lựa chọn các công ty quản lý tài sản dựa trên thành tích của họ, khiến các công ty mới ít có khả năng được chọn hơn.
Vì thế, để thay đổi điều này, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thiết lập một chương trình hỗ trợ nhà quản lý mới nổi, trong đó các quỹ hoặc tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho một nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm đã sẵn sàng “khởi nghiệp” – lập công ty quản lý tài sản của riêng mình.
Tính đến bước thu hút thêm nhân tài và quỹ nước ngoài
Ngành quản lý tài sản của Nhật Bản đã tăng 50% quy mô trong ba năm qua và hiện quản lý số tài sản trị giá 800.000 tỉ yen (5.280 tỉ đô la Mỹ), bằng 140% GDP của nền kinh tế Nhật Bản. Tại Nhật Bản, ngành này chủ yếu do các công ty quản lý tài sản thuộc các tập đoàn tài chính lớn thống trị. Top 5 gồm các công ty quản lý tài sản Nikko, Daiwa, T&D, Okasan và Nomura.
FSA hy vọng rằng sự gia nhập của nhiều công ty quản lý độc lập hơn sẽ khuyến khích cạnh tranh nhiều hơn và từ đó mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Trước đó, trong chuyến thăm London, Anh tháng 5-2022 và chuyến đi New York, Mỹ tháng 9-2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã mời gọi các công ty quản lý nước ngoài thành lập văn phòng tại Nhật Bản, nhằm tạo sức sống mới cho lĩnh vực quản lý tài sản ở Nhật Bản.
Việc thu hút các nhà quản lý quỹ và các chuyên gia nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, theo Nikkei Asia, bởi Nhật Bản có rất ít nhân tài trong lĩnh vực này. Nhiều công ty quản lý tài sản Nhật Bản nương tựa các quỹ của Mỹ và châu Âu để điều hành danh mục đầu tư của mình. Riêng các quỹ hưu trí và các chủ sở hữu tài sản khác ở Nhật Bản đang phải vật lộn để tối đa hóa lợi nhuận. Các rào cản về ngôn ngữ và hành chính đã khiến nhân tài nước ngoài trong lĩnh vực quản lý tài sản không thể vào thị trường Nhật Bản.
Trong các bài phát biểu ở London và New York, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết rằng, chính phủ nước này sẽ “quyết tâm thực hiện cải cách cơ cấu” để thu hút các nhà quản lý tài sản nước ngoài đến hoạt động tại Nhật Bản.
Tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản có 334 công ty quản lý đầu tư và 484 công ty tư vấn đầu tư, quản lý tài sản trị giá hơn 5.000 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, châu Âu có đến 4.800 công ty quản lý quỹ với khối tài sản quản trị hơn 32.200 tỉ euro. Mỹ có hơn 16.000 công ty quản lý và hơn 13.000 công ty tư vấn, với nguồn tài sản quản lý trị giá hơn 52.000 tỉ đô la. Các tập đoàn lớn trong giới đầu tư tài chính toàn cầu như Black Rock, Vanguard, Fidelity Investments và State Street Global Advisors đều của Mỹ.
Theo Vietstock