Việc giá yen tháng trước chạm đáy 38 năm so với USD khiến giới chức phải chi hàng chục tỷ USD để can thiệp lần thứ 2 trong năm nay.
Hôm 31/7, số liệu chính thức từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy trong tháng 7, giới chức nước này đã chi 5.530 tỷ yen (36,8 tỷ USD) để kéo giá yen lên cao. Con số này khớp với ước tính trước đó của thị trường.
Tháng trước, giá yen liên tục đi xuống so với đôla Mỹ, có thời điểm chạm đáy 38 năm tại 161,9 JPY một USD. Giới chức nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ can thiệp để ngăn biến động quá đà.
Cuối tháng 4, giới chức Nhật Bản từng chi 9.800 tỷ yen (61,5 tỷ USD) để hỗ trợ nội tệ. Tuy nhiên, việc này vẫn không ngăn được đà giảm của yen. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là khoảng cách lên tới 5% giữa lãi suất tham chiếu Mỹ và Nhật Bản.
Việc này khiến yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Dù BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm từ tháng 3 năm nay, yen vẫn chịu sức ép lớn. Tình hình chỉ có thể được cải thiện khi BOJ tiếp tục nâng lãi và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi.
Hôm 31/7, BOJ nâng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, lên quanh 0,25%, từ 0-0,1% trước đó. Đây là mức lãi cao nhất cơ quan này áp dụng kể từ năm 2008. Cùng ngày, Fed cũng ra tín hiệu có thể thảo luận giảm lãi suất trong phiên họp tháng 9.
Yen đã tăng mạnh, lên sát 150 JPY một USD sau quyết định của BOJ hôm 31/7. Hiện tại, tỷ giá là 149,2 JPY một USD.
Nguồn Vnexpress.net