Lượng tiền gửi trong các ngân hàng Mỹ chỉ còn hơn 17.500 tỷ USD trong tuần giữa tháng 3, chủ yếu do người dân rút tiền khỏi các nhà băng nhỏ.
Số liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 24/3 cho thấy người gửi đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD khỏi các ngân hàng Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3. Việc rút tiền chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng nhỏ. Ngược lại, các nhà băng lớn hơn ghi nhận lượng tiền gửi tăng 67 tỷ USD.
Tổng cộng, lượng tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ hiện chỉ còn hơn 17.500 tỷ USD. Con số này đã giảm dần trong năm qua. Tính từ tháng 2/2022, số liệu này giảm 582 tỷ USD.
Các ngân hàng cũng tích cực đi vay. Các ngân hàng nhỏ vay thêm kỷ lục 670 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà băng lớn cũng vay 251 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.
“Một phần các khoản vay này có thể là khoản dự phòng nếu người gửi tiếp tục rút tiền”, Paul Ashworth – nhà phân tích tại Capital Economics cho biết trên Reuters.
Các ngân hàng gần đây tìm đến những công cụ cho vay khẩn cấp được giới chức Mỹ lập ra, sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ. Số liệu công bố hôm 23/3 cho thấy các tổ chức đã vay trung bình 116 tỷ USD mỗi ngày từ Fed. Đây là mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và hơn 10 quan chức khác đã tham gia một buổi họp kín của Hội đồng Giám sát Sự ổn định Tài chính. “Hội đồng đã thảo luận tình hình hiện tại trong ngành ngân hàng và kết luận rằng dù các tổ chức tài chính đang chịu sức ép, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn vững mạnh”, thông báo sau cuộc họp cho biết.
Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng phải trấn an thị trường, rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn. “Chúng tôi có công cụ để bảo vệ người gửi tiền nếu nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
Fed sẵn sàng sử dụng các công cụ đó”, ông cho biết trong họp báo sau khi nâng lãi suất hôm 22/3. Powell cũng khẳng định việc rút tiền gửi “đã ổn định lại trong tuần qua” sau các “hành động mạnh mẽ” từ Fed.