Người Anh đang nghèo hơn?

Người Anh đang nghèo hơn?

Các công ty và người lao động đang cố gắng chuyển tác động của lạm phát sang cho nhau – và điều đó có nguy cơ gây ra lạm phát dai dẳng, Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho biết.

“Hiện nay, chúng ta phải miễn cưỡng chấp nhận rằng tất cả chúng ta đều bị nghèo hơn”, ông Pill nói trong một chương trình của Trường Luật Columbia và podcast “Beyond Unprecedented” của Trung tâm Millstein, được phát vào hôm thứ Ba.

“Cố gắng chuyển chi phí đó cho một trong những người đồng hương của mình và nói rằng chúng ta sẽ ổn nhưng rồi ai cũng bị ảnh hưởng vì đó là điều đang tạo ra lạm phát”, ông nói.

Ông Pill đã bàn về “một loạt cú sốc” đã thúc đẩy lạm phát trong 18 tháng qua, từ sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch COVID-19 và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Anh, cho đến cuộc chiến Nga – Ukraine (sự kiện đã đẩy giá năng lượng châu Âu tăng đột biến). Tiếp theo đó là thời tiết bất lợi và dịch cúm gia cầm bùng phát khiến giá lương thực tăng cao.

Tuy nhiên, Pill cho rằng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Hành vi của những bên xác định giá cả và những bên ấn định mức lương trong các nền kinh tế (bao gồm cả Anh và Mỹ) sẽ phải thay đổi khi chi phí sinh hoạt như hóa đơn năng lượng tăng lên. Điều này là do người lao động yêu cầu lương cao hơn và các doanh nghiệp tăng giá. Theo ông Pill, đây là điều “tự nhiên”.

“Tất nhiên, quá trình đó rốt cuộc là tự làm khó mình”, Pill nói.

Ông nói thêm rằng Vương quốc Anh, quốc gia nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên, phải đối mặt với một tình huống mà trong đó hàng hóa họ mua từ phần còn lại của thế giới đã tăng lên rất nhiều so với những gì họ bán cho phần còn lại của thế giới, chủ yếu là dịch vụ. Vương quốc Anh hiện nhập khẩu gần phân nửa nguồn lương thực của mình.

“Nếu những gì bạn đang mua tăng giá lên rất nhiều so với những gì bạn đang bán, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, ở Vương quốc Anh, chúng ta cần phải chấp nhận rằng mình đang nghèo hơn và ngừng cố gắng duy trì khả năng chi tiêu thực sự của mình bằng cách tăng giá, dù đó là tăng lương hay chuyển chi phí năng lượng sang cho khách hàng.”, Pill nói.

Nhận xét của Pill đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Vương quốc Anh. Hồi tháng 2/2022, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, đã bị chỉ trích khi cho rằng việc thương lượng tiền lương có thể tạo ra áp lực lạm phát trong nước, đồng thời kêu gọi người lao động và người sử dụng lao động thể hiện sự “kiềm chế” trong các cuộc thảo luận về tiền lương. Những bình luận của Bailey đã bị các công đoàn chỉ trích vì tập trung vào việc tiền lương, chứ không phải lợi nhuận doanh nghiệp, có thể thúc đẩy lạm phát như thế nào.

Khái niệm về vòng xoáy tiền lương – giá cả (khi tiền lương tăng tạo ra một vòng lặp áp lực lạm phát bằng cách tăng chi phí cho các doanh nghiệp và thúc đẩy nhu cầu) đang được tranh luận trong giới kinh tế học. Một số nhà hoạch định chính sách – trong đó có Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, và các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – cho biết họ không thấy bằng chứng về điều đó ở Mỹ hay khu vực đồng Euro.

Các nhà kinh tế, bao gồm cả nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas, đã nói rằng tiền lương có thể tăng hơn nữa mà không gây rủi ro cho tăng trưởng vì chúng không tăng đáng kể khi được điều chỉnh theo lạm phát và thế giới doanh nghiệp đã duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức đủ.

Tuy vậy, một số người cho rằng Vương quốc Anh đặc biệt có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy tiền lương – giá cả đang góp phần gây ra “lạm phát đình đốn” (tăng trưởng kinh tế thấp hoặc không có và lạm phát cao) do nền kinh tế nặng về nhập khẩu, sự yếu đi của đồng bảng Anh, thị trường lao động không tăng thêm do bị hạn chế bởi Brexit, và tăng trưởng tiền lương bị trì trệ trong nhiều năm.

Lạm phát của Vương quốc Anh được mong đợi ​​sẽ giảm xuống một con số trong tháng 3, nhưng cuối cùng đứng ở mức 10.1%, với lạm phát cơ bản (trừ lương thực và năng lượng được Ngân hàng Anh theo dõi chặt chẽ) ở mức 5.7%.

Theo CNBC

0865 205 590