Sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley và Signature, một ngân hàng thứ ba của Mỹ đang trong tình trạng nguy hiểm.
Trong phiên giao dịch ngày 25-4, cổ phiếu của First Republic lao dốc 49,4%, sau khi ngân hàng này tiết lộ bị khách hàng rút 100 tỉ USD tiền gửi một ngày trước đó. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu First Republic đã giảm hơn 93%.
Theo báo New York Times, những người thông thạo tình hình đánh giá kết quả khả dĩ nhất đối với ngân hàng này là sự can thiệp của chính phủ liên bang.
Washington có thể giải quyết vấn đề của First Republic một mình, hoặc kết hợp với một nhà đầu tư tư nhân khác.
Trong khi đó, First Republic, với 88 chi nhánh tập trung chủ yếu ở các bờ biển của Mỹ, vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh.
Giới quan sát đánh giá First Republic là ngân hàng đang rơi vào tình trạng nguy hiểm lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature sụp đổ vào tháng trước.
Ngân hàng này cũng tích lũy một lượng lớn các khoản vay và tài sản, mà giá trị của chúng đã bị ảnh hưởng đáng kể vì lãi suất tăng cao.
Tuy nhiên, trong khi SVB và Signature chỉ chống chọi áp lực được vài ngày, First Republic vẫn không sụp đổ cũng không có tiến triển.
Theo New York Times, First Republic đã đứng vững trước tình trạng sụt giảm tiền gửi, trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Mọi nỗ lực của các giám đốc điều hành và cố vấn của ngân hàng nhằm tạo niềm tin dường như đều có tác dụng ngược lại.
Người sáng lập và chủ tịch điều hành của ngân hàng, ông Jim Herbert, cho đến gần đây vẫn là một trong những nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong ngành. Ông đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.
Vào ngày 13-3, Đài CNBC cho biết ông Herbert đã nói rằng ngân hàng vẫn “hoạt động kinh doanh như bình thường” và “không có nhiều người muốn có tiền của họ”.
Cả ông Herbert và đại diện của First Republic đều không đưa ra bình luận nào sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm khoảng 30% vào cuối phiên giao dịch ngày 26-4, với mức 5,69 USD/cổ so với khoảng 150 USD/cổ vào một năm trước đó.
First Republic hiện có giá trị chỉ nhỉnh hơn 1 tỉ USD một chút, tương đương khoảng 1/20 giá trị của nó trước khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng 3 vừa qua.
Theo Tuổi Trẻ