Các hãng xuất khẩu Nga nhận thanh toán bằng nhân dân tệ, khoản vay của doanh nghiệp và tiền tiết kiệm của người dân cũng thực hiện bằng đồng tiền này.
Từ năm 2014, Nga đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào USD sau khi sáp nhập Crimea. Năm 2018, khi Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, họ bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tìm cách giao dịch bằng ruble cũng như các tiền tệ khác.
Từ năm ngoái, nước này còn giảm dần việc sử dụng euro. Chiến sự tại Ukraine khiến phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên tài chính Moskva, từ việc đóng băng dự trữ ở nước ngoài, đến loại ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Nhu cầu nhân dân tệ vì thế tăng mạnh do thương mại Nga – Trung bùng nổ. Trung Quốc đã trở thành nước mua chủ yếu dầu Nga. Nga cũng ngày càng cần Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ khác.
Một người phát ngôn Bộ Tài chính Nga cho biết nhân dân tệ “đang ngày càng quan trọng” với quỹ đầu tư quốc gia nước này. Tỷ lệ nhân dân tệ tối đa họ có thể nắm giữ đã được nâng gấp đôi, lên 60%, từ tháng 12 năm ngoái. Bộ này cũng đã bắt đầu bán nhân dân tệ trong tháng 1 để ngăn thâm hụt ngân sách ngày càng nới rộng.
Tỷ lệ hàng Nga xuất khẩu được thanh toán bằng nhân dân tệ là 14% tính đến tháng 9/2022, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga. Con số này tăng mạnh so với chỉ 0,4% đầu chiến sự.
Các doanh nghiệp Nga cũng phát hành trái phiếu bằng đồng tiền này với quy mô 7 tỷ USD năm ngoái, theo hãng dữ liệu Refinitiv. Vài tuần gần đây, nhân dân tệ – ruble còn trở thành cặp tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn Moskva.
Đại gia nhôm Nga Rusal là công ty đầu tiên phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ tại đây, hồi tháng 8/2022. Nhiều hãng xuất khẩu khác, như Rosneft, sau đó cũng nối gót.
Bistrodengi – nền tảng cho vay tại Nga – cũng bán trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ năm ngoái, dù không có hoạt động nào với Trung Quốc. Giám đốc Tài chính của Công ty Yakov Romashkin giải thích rằng vay bằng nhân dân tệ rẻ hơn ruble. Họ đang bán trái phiếu với lợi suất 8%. Nếu vay bằng ruble, con số này sẽ là 19%. Người mua chủ yếu là nhà đầu tư Nga.
Các hộ gia đình Nga cũng đang dần chuộng nhân dân tệ. Gần 50 tổ chức tài chính tại đây cho phép mở tài khoản tiết kiệm bằng nhân dân tệ, theo website so sánh Banki.ru.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết các hộ gia đình nước này nắm giữ gần 6 tỷ USD tiền tiết kiệm bằng nhân dân tệ, tính đến cuối năm ngoái. Trước chiến sự, con số này gần như bằng 0.
Người Nga trước đây thường mua euro và USD để bảo vệ tài sản nếu đồng ruble biến động. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi từ năm ngoái, do các ngân hàng áp phí với tài khoản bằng các đồng tiền này. Nhiều người cũng lo ngại về lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Mọi người đều nói về sự kết thúc của đồng đôla Mỹ. Nhân dân tệ đang nổi lên là ứng cử viên thay thế”, Olga Gogaladze – một cố vấn tài chính tại Nga cho biết. Bà cũng có một tài khoản bằng nhân dân tệ ở ngân hàng số Tinkoff. Tuy nhiên, bà thích cất tiền bằng ruble, euro hoặc USD hơn. Tài khoản bằng nhân dân tệ trả lãi thấp hơn ruble, nhưng là lựa chọn tốt cho những ai lo ruble mất giá.
Dù việc Nga dùng nhân dân tệ không đồng nghĩa USD mất ảnh hưởng tại đây, nó cũng có thể là sự khởi đầu khiến Mỹ khó dùng USD làm vũ khí trừng phạt tài chính sau này. Daniel McDowell – Giáo sư tại Đại học Syracus cho biết: “Càng buộc nhiều nước tìm phương án thay thế, bạn càng khiến họ có kinh nghiệm và mở rộng quy mô cho việc này”.
Nguồn Vnexpress.net