Xung đột tại Ukraine đã thay đổi suy nghĩ của phương Tây về chiến lược với Trung Quốc – nước đang ngày càng thân thiết với Nga.
Việc Nga giảm xuất khẩu khí đốt thiên nhiên sang châu Âu một năm qua đã gây bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Vì vậy, các nước G7 (Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) cũng đang ngày càng lo ngại về Trung Quốc – nước thống trị về nguồn cung nhiều hàng hóa và nguyên vật liệu trên thế giới.
Các quan chức kinh tế hàng đầu của phương Tây cho rằng Trung Quốc có thể cắt giảm xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt nếu xung đột hoặc một đại dịch khác diễn ra. Họ cũng lo ngại các khoản đầu tư của phương Tây, nếu không được kiểm soát, có thể giúp Trung Quốc phát triển năng lực quân sự.
Dù vậy, quan chức G7 cho biết đang nỗ lực nghĩ ra giải pháp để tránh làm ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu nói chung. “Lựa chọn chiến lược của chúng ta là củng cố chuỗi cung ứng”, Jeremy Hunt – Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần trước ở Washington.
Tuần trước, bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), quan chức G7 thống nhất áp dụng các sáng kiến mới để củng cố chuỗi cung ứng. Động thái này theo sau cam kết gần đây của Mỹ và các đồng minh về việc phát triển các công cụ chính sách mới để phản ứng lại những động thái kinh tế thù địch.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về việc kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng khi các nền kinh tế lớn, như Mỹ và Trung Quốc, chia rẽ. Sự tách rời này sẽ làm suy yếu thương mại và tăng trưởng toàn cầu.
“Câu hỏi là liệu có cách nào củng cố an ninh cung ứng, mà không đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai không?”, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết trong họp báo. “Tôi thuộc nhóm người đã trải qua hậu quả của Chiến tranh Lạnh. Nó khiến thế giới mất mát rất nhiều. Tôi không muốn chứng kiến điều đó lặp lại”, bà nói thêm.
Trong G7, Mỹ là nước tích cực nhất trong việc thúc giục kinh tế toàn cầu chuyển hướng phụ thuộc khỏi Trung Quốc. Năm ngoái, họ thông qua nhiều luật mới về trợ cấp, nhằm thu hút các công ty năng lượng sạch và công nghệ bán dẫn vào Mỹ; hạn chế xuất khẩu sản phẩm bán dẫn tiên tiến và thiết bị liên quan sang Trung Quốc. Họ còn chuẩn bị siết đầu tư vào nước này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã liên tục kêu gọi Mỹ dựa nhiều hơn vào các đồng minh (friendshoring) trong thương mại. Trong một cuộc họp báo tuần trước, bà cho biết các cảnh báo của IMF về hậu quả tiêu cực của việc này đã bị phóng đại.
“Lợi ích của thương mại mở vẫn được duy trì với cách tiếp cận này. Tài nguyên toàn cầu vẫn được phân phối hiệu quả. Vì thế, tôi cho rằng quan điểm friendshoring gây ra sự chia rẽ và mất mát lớn về thương mại là không đúng”, Yellen nói.
Dù vậy, một số đồng minh cũng lo ngại về ý định giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc của chính quyền Biden. Việc Mỹ trợ cấp cho các ngành năng lượng sạch khiến nhiều quan chức châu Âu cho rằng doanh nghiệp của họ sẽ gặp bất lợi.
Quan chức Mỹ đã xoa dịu những lo ngại này bằng hàng loạt thỏa thuận thương mại để hợp tác mua khoáng sản thiết yếu. Họ cũng mở một diễn đàn về các sáng kiến năng lượng sạch với châu Âu, nhằm ngăn cuộc chiến trợ giá.
Dù vậy, một nguồn tin thân cận với chính phủ Mỹ cho biết việc soạn thảo các chính sách đối phó Trung Quốc cũng rất thách thức và mất thời gian. Ví dụ, quan chức Mỹ đang cân nhắc cách hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc bằng cách chỉ nhắm vào những ngành có thể giúp Trung Quốc tăng năng lực quân sự, như máy tính lượng tử và bán dẫn tiên tiến. Các quy định này dự kiến mất cả năm để soạn thảo.
Một thách thức khác là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Giới chức Mỹ đang tìm cách vạch ranh giới giữa các dạng AI có thể dùng cho mục đích quân sự và dân sự.
Giới chức Mỹ đang kỳ vọng các nước G7 khác cũng tham gia hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã cam kết ngăn chặn việc các đối thủ dùng vốn và công nghệ phương Tây để phát triển quân sự.
Trong lĩnh vực thương mại, một số quan chức phương Tây cho rằng Trung Quốc có nhiều hành động kém thân thiện. Ví dụ, nước này áp đặt hạn chế thương mại lên Australia sau khi bị kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Họ cũng bị cáo buộc phân biệt đối xử với Litva sau khi nước này chấp thuận cho văn phòng đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) tại thủ đô Vilnius mang tên Đài Loan thay vì Đài Bắc như truyền thống. Trung Quốc cũng đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất pin mặt trời.
EU tháng trước thông qua một dự luật hướng dẫn các bước tham vấn và trả đũa một quốc gia bị cho là “áp bức kinh tế”. Dự luật này sẽ được đem ra bàn bạc tại cuộc họp thượng đỉnh của G7 tháng tới ở Nhật Bản.
“Chúng tôi sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ với Nga và các nước lớn khác”, Niels Annen – người phụ trách các vấn đề về hợp tác kinh tế của Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn khi nói về sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Dù vậy, ông cũng khẳng định “không muốn thực hiện chính sách hay chiến lược nào gây ra sự chia tách giữa các nền kinh tế”.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.