Mỹ đón tin vui về kinh tế, nỗi lo suy thoái lắng xuống
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh dù hoạt động tuyển dụng đã chậm lại. Thông tin này đã nhanh chóng châm ngòi cho một đợt tăng mạnh trên Phố Wall, khi các nhà đầu tư hào hứng với triển vọng kinh tế tích cực.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 12,000 đơn xuống còn 219,000 trong tuần kết thúc ngày 14/09. Con số này không chỉ thấp hơn tất cả các ước tính của các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg, mà còn đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 5.
Đáng chú ý, số đơn xin trợ cấp liên tục – một chỉ số quan trọng phản ánh số người đang nhận trợ cấp – cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Điều này càng củng cố niềm tin rằng thị trường lao động Mỹ vẫn đang trong trạng thái vững mạnh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng dữ liệu này có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Eliza Winger từ Bloomberg Economics lưu ý: “Số đơn xin trợ cấp thường bị giảm trong những tuần có ngày lễ, sau đó phục hồi vào tuần tiếp theo. Vì vậy, dữ liệu hiện tại có giá trị hạn chế như một chỉ báo cho số liệu bảng lương tháng 9”.
Báo cáo này càng trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định hạ lãi suất 0.5 điểm phần trăm. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng quyết định này nhằm “duy trì một thị trường lao động vẫn còn vững chắc”.
“Chúng tôi đang cố gắng khôi phục ổn định giá cả mà không cần tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh”, Powell chia sẻ trong cuộc họp báo sau thông báo cắt giảm lãi suất.
Khi nhìn sâu hơn vào dữ liệu, có thể thấy sự phân hóa giữa các bang. Texas, New York và California chứng kiến mức tăng lớn nhất về số đơn xin trợ cấp, trong khi Massachusetts ghi nhận mức giảm đáng kể nhất kể từ cuối tháng 4.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, cùng với động thái hạ lãi suất của Fed, nhiều chuyên gia dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang trên đà hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm”.
Theo Bloomberg