Niềm tin người Mỹ đặt vào thị trường tài chính của họ đang đứng trước thử thách của hai cuộc khủng hoảng liên tiếp: ngân hàng sụp đổ và chính phủ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Theo Đài CNN, cuộc khủng hoảng đầu tiên khơi mào sau khi ba ngân hàng Mỹ lần lượt sụp đổ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cận kề.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng của Mỹ
Người Mỹ thức dậy hôm 1-5 với tin tức First Republic đã trở thành ngân hàng Mỹ thứ 3 phá sản sau Silicon Valley (SVB) và Signature.
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã tiếp quản First Republic. Hầu hết tài sản của ngân hàng này được bán cho JPMorgan Chase.
Đây là nỗ lực chung của chính quyền và các ngân hàng lớn để trấn an người dân. Song điều này không đồng nghĩa với một “chương vàng” cho hệ thống tài chính Mỹ.
Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng mất lòng tin với Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Giáo sư Joseph Stiglitz của Đại học Columbia cho rằng vẫn cần theo dõi liệu tình hình hiện nay có dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu hơn hay không.
“Chỉ những cải cách có ý nghĩa về bảo hiểm tiền gửi, quản trị, cơ cấu quản lý và giám sát mới có thể khôi phục niềm tin vào các ngân hàng và uy tín của Fed”, ông Stiglitz nhấn mạnh.
Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ
Mỹ ngày càng tiến gần đến “ngày X” – thời điểm nước này sẽ vỡ nợ. Ngày 1-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo ngày X có thể đến sớm nhất là ngày 1-6.
Ngay sau đó, truyền thông Mỹ lập tức đưa tin Tổng thống Joe Biden đã triệu tập bốn lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội để thảo luận về việc nâng trần nợ.
Song thay vì ưu tiên giải quyết vấn đề, cả hai đảng vẫn tiếp tục tranh đấu.
Tuần trước, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã thông qua dự luật cắt giảm hàng tỉ USD, đưa chi tiêu liên bang trở lại mức năm 2022. Phe Cộng hòa cũng hủy bỏ chi tiêu chống biến đổi khí hậu do Đảng Dân chủ ủng hộ và áp đặt các yêu cầu mới đối với người nhận trợ cấp y tế.
Dự luật này được xem là khởi đầu cho những cuộc đàm phán nảy lửa giữa hai đảng.
Không ai nhượng bộ
Ông Justin Wolfers, giáo sư kinh tế học và chính sách công tại Đại học Michigan, cho biết ông không quá lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Ông Wolfers chỉ ra cả ba ngân hàng sụp đổ trong thời gian gần đây có quy mô tương đối nhỏ. Ông cũng tin tưởng FDIC đủ khả năng chi trả cho các khoản tiền gửi, làm yên lòng người dân.
Thế nhưng, vị chuyên gia trên vô cùng lo lắng về việc Mỹ vỡ nợ. “Thế hệ các nhà lập pháp hiện tại có vẻ vô trách nhiệm hơn, phân cực hơn và sẵn sàng gây thiệt hại nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây”, ông nói.
Giới quan sát đánh giá rồi sẽ đến lúc cả hai đảng của Mỹ phải cùng nhau hợp tác để tránh vỡ nợ, hoặc giải quyết hậu quả nếu điều này thật sự xảy đến. Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế Mỹ có gánh chịu thiệt hại nào trong thời gian chờ đợi hay không.
Ông Wolfers lưu ý trong những lần bế tắc trước đây về trần nợ, Đảng Cộng hòa cuối cùng vẫn nhượng bộ vì áp lực từ phe ôn hòa hơn trong nội bộ đảng. Dù vậy, ông không rõ điều đó có thể xảy ra lần này hay không.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin thế giới tại đây.