Lý do lãi suất tiết kiệm tăng liên tiếp

Bước sang tháng 8, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Mức cao nhất lên hơn 6%/năm hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân, nhất là khi các kênh đầu tư khác chưa hồi phục rõ nét.

Ngày 1/8, ngân hàng Agribank điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 1,8%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,3%/năm, lên mức 2,2%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-9 tháng có lãi suất mới là 3,2%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm.

Như vậy, 3 trong số 4 ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh đã tăng lãi suất huy động kể từ tháng 4.

Cũng trong ngày hôm nay (1/8), ngân hàng HDBank đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm.

HDBank tăng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,1%/năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, lãi suất huy động kỳ hạn này vượt ngưỡng 4,9%/năm.

Lý do lãi suất tiết kiệm tăng liên tiếp- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Trong hai tuần trở lại đây, 16 ngân hàng tăng biểu lãi suất từ 0,1% đến 1,3%, gồm MB, VIB, VPBank, Sacombank, ABBank, BVBank, BacABank… Trong đó, ABBank là đơn vị tăng mạnh nhất, với mức điều chỉnh từ 0,6% đến 1,3% cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này lãi suất 6,2%, mức cao nhất hệ thống.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5% một năm, hiện lên 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều gấp đôi, từ 12 lên 26 đơn vị.

Nhiều ý kiến cho rằng, bước sang quý III, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng 15% đã được Ngân hàng Nhà nước giao ngay từ đầu năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, vàng thời gian qua…

Chưa kể tỷ giá đang ở mức cao và dự báo vẫn còn nhiều biến động trong thời gian tới. “Tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu cuối năm. Do đó, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng”, ông Hiếu nói.

Theo nhận định của các tổ chức tài chính, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng khả năng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn.

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi từ dân cư vào các tổ chức tín dụng tăng mạnh lên gần 6,7 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 3, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.

Như vậy, sau khi giảm tháng đầu năm, tiền nhàn rỗi chảy mạnh trở lại ngân hàng từ tháng 2 đến tháng 3. Điều đáng nói, thời điểm tháng 3 cũng là lúc mặt bằng lãi suất huy động gần như ở mức thấp nhất tại hầu hết các kỳ hạn. Bất chấp điều đó, tiền gửi vẫn tăng mạnh.

Theo giới chuyên gia, dòng tiền vẫn tìm về ngân hàng dù lãi suất thấp có nguyên nhân chính do các kênh đầu tư khác nhiều biến động khó lường, kém ổn định và triển vọng sinh lời thấp.

Giới phân tích tài chính – ngân hàng cho rằng, với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 5-6%/năm vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi.

Theo cafeF

0865 205 590