Thị trường Việt Nam hôm nay có các tin tức nào cần chú ý? Vốn đầu tư vào phân khúc logistics và bất động sản công nghiệp đã tăng mạnh. NHNN bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Tỷ giá USD ngày 21/3: BIDV và Techcombank giảm 10 đồng tỷ giá USD mua bán… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 21/3.
1. Logistics và BĐS công nghiệp thu hút dòng vốn lớn?
Dòng vốn đầu tư vào phân khúc logistics và bất động sản công nghiệp đã tăng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ 2 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD), theo dữ liệu thống kê từ Savills APAC.
Trong 3 quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch logistics đạt 29,5 tỉ USD, so với bán lẻ là 22,3 tỉ USD. Còn trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ 2 (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2023, dữ liệu từ MSCI.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang thận trọng hơn do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và các thị trường, nơi tỉ suất vốn hóa suy giảm đáng kể và lãi suất tăng.
Trong năm 2022, thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư mới chuyên đầu tư vào logistics và bất động sản công nghiệp. Đơn cử GLP lập quỹ đầu tư thu nhập thứ 6 tại Trung Quốc, gây quỹ được 1,05 tỉ USD. Hay ESR đã gây quỹ 373 triệu USD cho một quỹ đầu tư phát triển tại Úc.
Sang năm 2023, quỹ quản lý đầu tư M&G (Anh) tuyên bố đã chi 267 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu tại một trung tâm logistics của Nhật. Trong khi đó, Mirae Asset Global Investment (Hàn Quốc) đã mua kho hàng đầu tiên tại Mumbai (Ấn Độ) vào tháng 1 vừa qua.
Các thị trường chính được những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm là Trung Quốc, Nhật và Úc. Sắp tới, Savills dự đoán, giới đầu tư sẽ chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) và ESR đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD trong năm 2022. Năm nay, ESR dự kiến tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial, công ty bất động sản công nghiệp và logistics lớn nhất tại Việt Nam. Savills cũng nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics. Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-milelogistics) và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to – suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư.
Đồng thời, với việc trước đây, bất động sản công nghiệp và logistics đây là một ngành kinh doanh ít nhận được sự quan tâm nhưng nay lại được chú ý bởi xu hướng công nghệ cao và đòi hỏi những chuyên môn phức tạp. Tình trạng đó đã được cải thiện phần nào khi nhu cầu đối với các dòng sản phẩm mới nổi như giao hàng chặng cuối, các kho nhỏ gần đô thị phục vụ người tiêu dùng và kho lạnh đang ngày càng tăng nhanh.
2. NHNN bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Thị trường tiền tệ tuần 14-17/3 chứng kiến hoạt động đảo chiều bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng trong tuần trước đó của Ngân hàng nhà nước (NHNN), nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng với khối lượng khá hạn chế xuyên suốt tuần, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không phát hành khối lượng mới nào trên kênh bán tín phiếu sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục.
Trên kênh cầm cố, chỉ có 3.100 tỷ đồng được phát hành, trong đó chủ yếu trong những phiên đầu tuần với lãi suất 6% và kỳ hạn 7 ngày (tổng 2.100 tỷ đồng). Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 110.700 tỷ đồng và trên kênh cầm cố là 3.100 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn giảm mạnh và kết tuần ghi nhận tại 3,5% (giảm 2,7 điểm %) ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch giữa lãi suất VND (HM:VND) và USD đảo chiều sang trang thái âm.
Trong tuần trước, thanh khoản trên hệ thống ổn định và tâm điểm trong tuần đến từ việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như lãi suất trên hoạt động thị trường mở.
3. Tỷ giá USD ngày 21/3: BIDV(HM:BID) và Techcombank(HM:TCB) giảm 10 đồng tỷ giá USD mua bán
Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 103,35 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,02% ở mức 1,0721. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2235. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,13% ở mức 131,35.
Tỷ giá trung tâm hôm nay (21/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.617 VND/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết đầu tuần. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.436 – 24.798 VND/USD.
Tỷ giá USD trong nước ghi nhận sự ổn định tương đối ở các ngân hàng khi chỉ có BIDV và Techcombank cùng hạ 10 đồng ở cả hai chiều mua bán sáng nay, là mức đáng kể nhất ghi nhận được. Ngoài ra có thêm VietinBank nâng 3 đồng và Sacombank (HM:STB) giảm 2 đồng so với mức niêm yết cùng giờ sáng qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.360 – 23.440 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.740 – 23.788 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở BIDV và Eximbank (HM:EIB).
Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.550 – 23.620 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận đầu tuần.
Giá vàng trong nước, biến động trái chiều không quá 150.000 đồng/lượng tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý được khảo sát vào lúc 8h35 sáng nay.
- Giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cho cả hai chiều mua – bán.
- PNJ (HM:PNJ) điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng cho chiều mua và giữ nguyên giá giao dịch ở chiều bán.
- Giá mua và giá bán cùng tăng 50.000 đồng/lượng tại doanh nghiệp Phú Quý so với cuối phiên ngày hôm qua.
- Trong khi đó, giá vàng SJC không ghi nhận thay đổi mới trong phiên sáng nay tại Tập đoàn Doji.
Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66,85 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 67,55 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác trong sáng nay cũng giảm. Theo đó, giá vàng 24K giảm 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 80.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.
Theo investing