Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản thương mại vốn đang gặp vô vàn khó khăn khi lãi suất tăng mạnh. Các ngân hàng Mỹ sẵn sàng bán tháo nợ bất động sản thương mại ngay cả khi khách vay vẫn trả nợ đúng hạn, sau khi có nhiều cảnh báo cho rằng, hạng mục tài sản này sẽ là “nạn nhân” tiếp nối những bất ổn gần đây trong ngành ngân hàng khu vực.
Cụ thể, HSBC USA, chi nhánh của Ngân hàng HSBC ở Mỹ, đang trong quá trình bán hàng trăm triệu USD khoản cho vay bất động sản thương mại, theo Financial Times. Đây là một phần trong nỗ lực của HSBC nhằm giảm bớt cho vay trực tiếp đối với các nhà phát triển bất động sản ở Mỹ.
Các chuyên gia cho biết, những hồ sơ đấu thầu mua các khoản cho vay bất động sản thương mại của HSBC USA có thể có định giá thấp hơn 5% so với giá trị gốc.
Tháng trước, một ngân hàng khu vực của Mỹ là PacWest cũng đã bán lỗ danh mục các khoản cho vay xây dựng bất động sản trị giá 2,6 tỷ USD.
“Sau động thái bán nợ của PacWest, chúng tôi càng nhận được nhiều cuộc gọi hơn”, một nhà đầu tư tín dụng bất động sản cho biết. “Tất cả các ngân hàng khu vực nhìn vào thị trường và nói rằng thị trường thực sự thích động thái này và chúng ta nên làm điều tương tự”.
Sở dĩ một số ngân hàng sẵn sàng bán tháo nợ bất động sản dù khách vay trả nợ đúng hạn do lo ngại tình hình các khoản nợ quá hạn gia tăng, đặc biệt là khoản nợ được bảo đảm bằng các tài sản văn phòng, vốn đang chứng kiến nhu cầu giảm mạnh do xu hướng làm việc từ xa.
Trong khi đó, sự giảm tốc về nhu cầu đối với chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bất động thương mại khiến các ngân hàng nắm giữ nhiều khoản nợ bất động sản hơn mức họ hoặc các cơ quan quản lý mong muốn.
“Câu chuyện các ngân hàng muốn bán các khoản nợ đang đề cập đến nhiều. Tôi đang nghe về vấn đề này nhiều hơn bất cứ lúc nào trong thập niên qua”, theo Chad Littell, nhà phân tích của CoStar, một công ty nghiên cứu tập trung vào bất động sản thương mại.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đang thay đổi cách hạch toán các khoản cho vay bất động sản thương mại bằng cách chuyển tên gọi nhóm nợ thành “sẵn sàng để bán” thay vì “giữ đến ngày đáo hạn”. Đây là động thái giúp họ bán nợ dễ dàng hơn trong tương lai.
Theo investing