Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Nếu như vào cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (thước đo lạm phát chính) tăng nhanh do các thành phố lớn trong nước, bao gồm cả Thượng Hải, đang bị phong tỏa do Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và thúc đẩy người dân tích trữ thực phẩm.
Thì lạm phát của Trung Quốc trong tháng 4 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi giảm phát tại nhà máy ngày càng sâu. Những xu hướng này cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước và chi phí hàng hóa suy giảm, đòi hỏi nhiều kích thích hơn để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua
Theo Cục Thống kê Quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021. Tính theo tháng, con số này hạ nhiệt so với mức tăng 0,7% vào tháng 3/2023. Trước đó, các nhà kinh tế dự kiến lạm phát của Trung Quốc trong tháng 4 sẽ giảm xuống 0,3%.
Cũng theo Cục Thống kê Quốc gia, lạm phát ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi đà tăng của thực phẩm và dịch vụ. Cụ thể, giá thực phẩm tăng 0.4% và dịch vụ tăng 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá hàng hóa tiêu dùng lại giảm 0.4%.
Trong khi đó, chỉ số PPI (thước đo giá hàng hóa xuất xưởng) của Trung Quốc trong tháng 4 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2020 và là tháng giảm thứ bảy liên tiếp.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là khoảng 3%. Vào năm 2022, CPI của Trung Quốc tăng 2% so với năm 2021.
“Bóng ma” giảm phát
Dữ liệu lạm phát gần đây sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của ngân hàng trung ương Trung Quốc, đặc biệt là khi các chỉ số cho thấy sự phục hồi kinh tế đang suy yếu.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên sau khi các hạn chế liên quan đến Covid được dỡ bỏ vào tháng 12. Bên cạnh đó, lạm phát cũng ở thấp nhất trong 2 năm qua nhưng nhu cầu tại Trung Quốc vẫn còn yếu, hoạt động sản xuất trong tháng 4 bị thu hẹp, nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu cũng tăng trưởng chậm lại. Điều này cho thấy quá trình phục hồi không đồng đều của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Ngoài ra, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc đang ngừng tăng hoặc giảm xuống bất chấp việc gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch và Chính phủ giảm lãi suất, bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế. Thêm vào đó, nước này cũng đang “ngập” trong tiền. Cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) đã tăng kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua.
Cung tiền nhiều chưa từng thấy kết hợp với xu hướng giảm giá cả hàng hóa khiến giới phân tích cho rằng quá trình giảm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu.
“Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là ‘giảm phát đã bắt đầu’ và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái”, theo Liu Yuhui, giáo sư Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS). “Nhịp đập của nền kinh tế vẫn còn yếu do giá bất động sản và tài sản tài chính vẫn chưa tăng lên”.
Các nhà hoạch định chính sách đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn duy trì lập trường ủng hộ tăng trưởng kinh tế, bất chấp nhu cầu trong nước suy giảm, đầu tư bất động sản yếu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao.
Do đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết, trong bối cảnh một số ngân hàng gần đây đã giảm lãi suất tiền gửi và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã gợi ý về khả năng tạm dừng tăng lãi suất.
Theo investing