Thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã tăng chậm lại trong tháng 4/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã tăng chậm lại trong tháng 4/2023, nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, Phố Wall phấn khởi
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết, CPI tháng 4/2023 tăng 0,4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,1% được ghi nhận trong tháng 3. Nếu so với cùng kỳ năm trước,chỉ số CPI tăng 4.9%, thấp hơn dự báo tăng 5% của các chuyên gia.
Không kể giá năng lượng và lương thực, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khớp với ước tính của các nhà kinh tế.
Thị trường phản ứng tích cực với thông tin trên, với các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ khởi sắc và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm. Hợp đồng tương lai Dow Jones cũng bật tăng 180 điểm.
Đà tăng của chi phí nhà ở, giá xăng và xe đã qua sử dụng thúc đẩy CPI tăng. Trong khi đó, giá dầu nhiên liệu, xe mới và thực phẩm tại nhà lại giảm. Đối với người lao động, thu nhập trung bình mỗi giờ thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) tăng 0,1% trong tháng nhưng vẫn giảm 0,5% so với một năm trước, Bộ lao động Mỹ cho biết trong một báo cáo riêng.
Các số liệu mới được công bố cho thấy, CPI hiện đã hạ nhiệt đáng kể sau khi chạm đỉnh gần 9% trong tháng 6/2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial cho biết: “Báo cáo mới nhất về CPI cho thấy chiến dịch kiềm chế lạm phát của Fed đang có hiệu quả, mặc dù chậm hơn so với những gì họ mong muốn”.
Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ?
Sau báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 4/2023, các trader hạ xác suất Fed tiếp tục nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 xuống còn 20%, theo CME Group.
Nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, trong vòng hơn 1 năm qua, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Hiện lãi suất chủ chốt của Mỹ đang ở ngưỡng 5 – 5,25%, mức cao nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính 2008.
Trong lần tăng lãi suất mới nhất vào hồi đầu tháng 5, Fed cũng đã phát tín hiệu về khả năng tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài. Bên cạnh đó, trong tháng 4 vẫn có 250.000 việc làm mới được tạo ra. Đây là sự gia tăng bất ngờ khi nhiều tín hiệu khác trước đó cho thấy việc tuyển dụng có thể đã chậm lại.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, rất khó để nói trước khi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát leo thang đột ngột xuất hiện cũng sẽ gây áp lực buộc các quan chức phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Bất chấp nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực thể hiện khả năng phục hồi, Fed hồi đầu tuần đã cảnh bảo nguy cơ tiến tới một cuộc khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng khu vực thắt chặt các điều kiện cho vay, làm hạn chế khả năng tăng giá của các tài sản rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực tài chính đầy biến động sau khi chứng kiến sự sụp đổ của 3 ngân hàng SVB, Signature Bank và First Republic Bank.
Một vấn đề khác khiến nước Mỹ đau đầu là khả năng vỡ nợ trong tháng 6 tới. Trước đó, vào ngày 7/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo nếu Quốc hội Mỹ không hành động trong những tuần tới, sự hỗn loạn về tài chính và kinh tế sẽ xảy ra. Do đó, giới đầu tư đang theo sát diễn biến trong các cuộc đàm phán nâng trần nợ của các chính trị gia Hoa Kỳ.
Cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lập pháp chủ chốt của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hôm 9/5 vừa qua đã không đạt được bước đột phá nào trong việc giải quyết bế tắc về trần nợ của Mỹ. Song các nhà lãnh đạo đã quyết định nhóm họp lại vào cuối tuần này.
Theo investing