Lạm phát tại châu Âu giảm nhanh hơn dự báo, trong khi đó tại Mỹ tăng vọt. Điều này đang khiến các nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cụ thể, lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 3 đã giảm xuống 2,4%, tháng thứ tư giảm liên tiếp. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy giá cả đang giảm về gần đến mức mục tiêu 2% của ECB.
Ngược lại, lạm phát tại Mỹ đã vượt dự báo kể từ đầu năm nay. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mà FED dùng làm thước đo lạm phát tăng từ 2,4% trong tháng 1 lên 2,5% vào tháng 2.
Diễn biến lạm phát khác nhau ở khu vực đồng euro và Mỹ đã khiến các nhà đầu tư giảm số đợt hạ lãi suất dự kiến của FED trong năm nay, đồng thời tin rằng ECB sẽ nới lỏng chính sách một cách quyết liệt hơn.
Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management, cho biết: “Hiện có nhiều bằng chứng trong 3 tháng đầu năm cho thấy lạm phát ở châu Âu giảm vẫn mạnh hơn ở Mỹ”.
Trong một bài phát biểu ngày 3/4, Chủ tịch FED Jerome Powell báo hiệu rằng lạm phát cao tại Mỹ có thể khiến ngân hàng trung ương không thể cắt giảm lãi suất nhanh như dự đoán trước đây.
Ông nói: “Chúng tôi dự đoán rằng việc hạ lãi suất chính sách là chưa phù hợp cho đến khi chúng tôi tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững. Với sức mạnh của nền kinh tế và mức tăng của lạm phát cho đến nay, chúng tôi có thời gian để dữ liệu sắp tới hướng dẫn các quyết định về chính sách”.
Thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất định giá FED và ECB cắt giảm lãi suất gần 70 điểm cơ bản trong năm nay, tương đương với từ 2-3 đợt hạ lãi suất với 0,25 điểm phần trăm mỗi đợt. Đối với ECB, thị trường dự đoán ngân hàng trung ương sẽ giảm gần 90 điểm cơ bản, tương đương một đợt cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm nữa.
Năm ngoái, FED đã nâng lãi suất lên khoảng 5,25% – 5,5%, mức cao nhất trong 23 năm. Trong khi đó, ECB nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục 4%.
Nhà kinh tế trưởng Katharine Neiss tại PGIM Fixed Income cho biết niềm tin về khả năng cắt giảm và thời điểm cắt giảm lãi suất của ECB phần nào trái ngược với những gì mọi người thấy ở Mỹ.
Áp lực về giá ở Mỹ ngày càng tăng, do tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP năm 2023 của Mỹ tăng 2,5%. Ngược lại, kinh tế khu vực đồng euro lại ảm đạm hơn, GDP chỉ tăng 0,5% trong năm ngoái. Điều này khiến nhiều người kêu gọi ECB nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Kaspar Hense tại RBC Bluebay cho biết, với tốc độ tăng trưởng yếu, điều đó sẽ cho phép ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Trong khi đó, FED có khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7.
Thống đốc Pablo Hernández de Cos của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, thành viên của hội đồng ECB, đã phản ứng trước tin lạm phát khu vực đồng euro giảm: “Tháng 6 có thể là đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên”.
ECB có thể sẽ phát tín hiệu sau cuộc họp tại Frankfurt vào tuần tới. Tuy nhiên, ECB có nhiều lý do để thận trọng và đợi đến tháng 6 rồi mới thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019.
Nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tại châu Âu là giá dịch vụ tăng cao. Phó chủ tịch chứng khoán Krishna Guha tại ngân hàng đầu tư Evercore-ISI cho biết lạm phát dịch vụ dai dẳng là dấu hiệu cho thấy nguy cơ lạm phát khu vực có thể tiếp tục tăng. Khi lạm phát dịch vụ giảm rõ rệt, lạm phát khu vực sẽ giảm. Và đó là điều kiện cần để thảo luận về việc hạ lãi suất.
Một lý do khác để ECB phải kiên nhẫn hơn đó là mong muốn tránh bất đồng với FED, điều có thể khiến thị trường ngoại hối và trái phiếu thay đổi, khiến áp lực lạm phát tái xuất hiện.
Nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran tại Allianz cho rằng thị trường việc làm Mỹ suy giảm có thể cho phép cả FED và ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Ông nói: “Tôi nghĩ ECB sẽ không dám cắt giảm nếu FED thay đổi thông tin trước mùa hè”.
Theo cafeF