Lạm phát chậm lại gây sức ép hành động cho các ngân hàng trung ương

Theo tờ Financial Times, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bị chỉ trích là phản ứng quá chậm chạp trước những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lạm phát đang tan biến. Chưa đầy hai năm trước, họ cũng bị chỉ trích là hành động quá chậm đối với làn sóng giá cả phi mã kỷ lục.

Một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng nếu chờ đợi quá lâu mới cắt giảm chi phí đi vay, các ngân hàng trung ương có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang suy yếu như: khu vực đồng tiền chung Eurozone đã trì trệ cả năm nay, hay gây khó khăn cho các chính phủ đang mắc nợ nặng nề như Italy.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trở thành tâm điểm tranh luận trong tuần này sau khi lạm phát tại khu vực Eurozone giảm xuống 2,4% – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và gần đạt mục tiêu 2% của ngân hàng này. Tình trạng tranh cãi tương tự đang diễn ra ở Mỹ và Anh, cho dù tỷ lệ lạm phát ở đó vẫn chưa giảm xuống mức thấp.

Ông Innes McFee, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Oxford Economics, cho biết: “Câu hỏi đặt ra là ngân hàng trung ương lớn nào có nguy cơ mắc sai lầm chính sách và đối với tôi, rất có thể đó là ECB, vì lạm phát sẽ giảm nhanh chóng”.

Tuần này, các nhà đầu tư đã đặt cược vào thời điểm ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhiều nhà kinh tế đang dự báo thời điểm sẽ là nửa đầu năm tới.

Cựu chuyên gia kinh tế Dirk Schumacher tại ECB tin rằng lạm phát tại khu vực đồng euro đang trên đà giảm xuống mức 2% vào mùa xuân tới. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của các nhà hoạch định chính sách về việc đánh giá thấp lạm phát một lần nữa khiến họ cần nhiều thời gian hơn để đạt được sự đồng thuận đủ lớn trong hội đồng quản trị để cắt giảm.

Ông Schumacher dự đoán ECB sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và sau đó tiến tới cắt giảm 0,25% tại mỗi cuộc họp vào năm tới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta đã nói rằng cần phải sớm hạ lãi suất để tránh những thiệt hại không cần thiết đối với hoạt động kinh tế, cũng như rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, cho biết: “Việc cắt giảm có thể diễn ra trong năm 2024, nhưng không phải bây giờ”.

Thị trường trái phiếu chính phủ nhanh chóng phục hồi sau những bình luận của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau, khiến giới đầu tư đặt cược vào việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong vài tháng đầu năm tới.

Nhưng những thống đốc khác đang phản đối. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho biết chỉ số lạm phát giảm ở mức “đáng khích lệ” trong tuần này là không đủ để loại trừ khả năng chi phí sẽ tăng cao hơn nữa. Ông cũng cảnh báo còn quá sớm để nghĩ đến khả năng giảm lãi suất cơ bản.

Lập luận đó đã nhận được sự ủng hộ từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong tuần này. Khi đó, nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli lập luận rằng ECB và Ngân hàng Anh (BoE) không thể giảm bớt chi phí cho vay cho đến năm 2025, vì lạm phát cơ bản vẫn còn dai dẳng do áp lực tiền lương.

0865 205 590