Hơn chục ngân hàng tăng lãi suất trong hai tuần qua, đưa mức cao nhất hệ thống lên 6,2% một năm.
Trong hai tuần trở lại đây, 14 ngân hàng tăng biểu lãi suất từ 0,1% đến 1,3%, gồm MB, VIB, VPBank, Sacombank, ABBank, BVBank, BacABank, KLBank, Saigonbank, PVCombank, Vietbank, PGBank và GPBank.
Trong đó, ABBank là đơn vị tăng mạnh nhất, với mức điều chỉnh từ 0,6% đến 1,3% cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này lãi suất 6,2%, mức cao nhất hệ thống.
Tại các ngân hàng khác, lãi suất từ 6% trở lên chỉ xuất hiện nếu khách hàng gửi tiền ở các kỳ hạn dài 15-24 tháng, như ở SeABank, Oceanbank, NCB, BVBank.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều gấp đôi, từ 12 lên 26 đơn vị.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023 – là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, theo chuyên gia, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, vàng thời gian qua…
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng sau khi bật tăng mạnh đạt 6% vào cuối tháng 6, lại quay đầu giảm nhẹ.
Dẫu vậy, theo chuyên gia UOB, tăng trưởng tín dụng khả năng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, tức từ trạng thái thả lỏng như hiện nay sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tỷ giá.
Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.